Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 21/12, tổ chức Al-Gamaa Al-Islamiya và Đảng Xây dựng và Phát triển, nhánh chính trị của tổ chức này, tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/1 tới.
Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour (trái) và Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Amr Moussa trước khi thông báo về thời điểm trưng cầu dân ý hôm 14/12. Ành: AFP/ TTXVN |
Quyết định trên đã được 75% thành viên của tổ chức này thông qua, trong khi 25% còn lại ủng hộ việc bỏ phiếu chống lại bản hiến pháp, vừa được một ủy ban gồm 50 thành viên sửa đổi và thông qua vào ngày 1/12 vừa qua.
Trong một tuyên bố, Al-Gamaa Al-Islamiya cho biết sẽ phát động một chiến dịch kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bỏ phiếu, với lý do hiến pháp mới được soạn thảo bởi một nhóm thế tục thiểu số vốn tìm cách xóa bỏ các bản sắc Hồi giáo, vai trò của Luật Hồi giáo Sharia cũng như "gạt bỏ tất cả các giá trị đạo đức truyền thống gia đình của Ai Cập và thiết lập một nhà nước đàn áp quân sự". Tổ chức này cũng cho rằng việc tham gia trưng cầu dân ý là hành động công nhận cuộc "đảo chính" lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và các chiến dịch "đàn áp" hiện nay của chính quyền, đồng thời khẳng định rằng cuộc bỏ phiếu này "chắc chắn sẽ bị gian lận".
Al-Gamaa Al-Islamiya là một trong những lực lượng Hồi giáo hàng đầu ở Ai Cập và là thành viên của Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu, quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho cựu Tổng thống Mohamed Morsi.
Cùng ngày, Mặt trận Salafist - một trong những tổ chức Hồi giáo dòng Salafist lớn nhất ở khu vực Trung Đông - thông báo sẽ tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Trong một tuyên bố, lực lượng này cho rằng bản Hiến pháp vừa được sửa đổi không thể hiện ý chí của tất cả người dân Ai Cập, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi thỏa thuận chính trị sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi là "bất hợp pháp và đáng bị trừng trị".
Trước đó, MB và Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của tổ chức này cũng tuyên bố tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, tổ chức Tiếng gọi Salafist và Đảng Nour - nhánh chính trị của phong trào Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập này lại có quan điểm trái ngược, khi công khai kêu gọi người dân tham gia và bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới.
* Cùng ngày, Nhật báo "Al Ahram" do nhà nước quản lý cho biết hai chính đảng tự do lớn ở Ai Cập là Đảng Ai Cập Tự do và Đảng Mặt trận Dân chủ đã công bố sáp nhập. Trong một tuyên bố, Đảng Ai Cập Tự do cho biết quyết định trên nhằm tập hợp các lực lượng thế tục, đồng thời kêu gọi các tổ chức và đảng phái chính trị khác cùng phe đoàn kết, để đạt được các mục tiêu chính trị. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng chính đảng mới này sẽ mở đường cho việc thành lập một "khối chính trị tự do có khả năng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử".
Theo tỷ phú Naguib Sawiris, người sáng lập của Đảng Ai Cập Tự do, đảng mới này sẽ vận động bỏ phiếu ủng hộ dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, cũng như ủng hộ việc tổ chức bầu cử tổng thống trước cuộc bầu cử quốc hội. Đảng Ai Cập Tự do được thành lập trong bối cảnh nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ vào đầu năm 2011, sau khi lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Chính đảng này đã dẫn đầu liên minh thế tục mang tên "Khối Ai Cập" và giành được 33 trong tổng số 498 ghế, trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên thời hậu Mubarak được tổ chức vào tháng 11/2011.
Trong khi đó, Đảng Mặt trận Dân chủ được thành lập vào năm 2007, song chỉ bắt đầu nổi lên sau cuộc cách mạng năm 2011.
TTXVN/Tin tức