Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã cải tổ Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) nhằm trao cho quân đội nhiều quyền độc lập hơn với chính quyền dân sự. Sắc lệnh được ban hành ngày 27/2 quy định SCAF sẽ do Bộ trưởng Quốc phòng làm chủ tịch thay vì Tổng thống như trước đây. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, Tổng thống, đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang theo quy định của Hiến pháp, không nắm giữ vị trí đứng đầu hội đồng quyền lực này.
Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour (trái) và Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Amr Moussa tại Cairo ngày 14/12. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cũng theo sắc lệnh nói trên, số lượng thành viên của SCAF được nâng từ 13 lên 23 người do Bộ trưởng Quốc phòng lựa chọn và là các tướng lĩnh cấp cao đứng đầu các quân binh chủng cũng như Cơ quan tình báo quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn có quyền triệu tập các phiên họp của SCAF khi cần thiết và trực tiếp điều hành các buổi làm việc đó. Hội đồng này có quyền tuyên bố chiến tranh và quyết định cử quân đội tham gia các chiến dịch ở nước ngoài.
Cuộc cải tổ quan trọng này được thực hiện theo quy định của Hiến pháp mới được thông qua vào tháng Một vừa qua. Cũng theo quy định của văn kiện này, trong vòng 8 năm tới, Bộ trưởng Quốc phòng vẫn là người của quân đội và được Tổng thống bổ nhiệm theo sự chuẩn y của SCAF. SCAF từng nắm quyền điều hành đất nước trong suốt giai đoạn chuyển tiếp kéo dài gần 17 tháng sau làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011.
Cùng ngày, Tổng thống Atly Mansour cũng ban hành sắc lệnh thành lập Hội đồng Quốc phòng trung ương chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến ngân sách quốc phòng và các thỏa thuận an ninh. Hội đồng này do Tổng thống làm Chủ tịch và gồm 13 thành viên, trong đó có Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Giám đốc các cơ quan tình báo.
Trước đó, hôm 26/2, Tổng thống Atly Mansour cũng ban hành sắc lệnh thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) do Tổng thống đứng đầu với các thành viên gồm Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính, Tư pháp, Y tế, Truyền thông, Giáo dục, Giám đốc Cơ quan tình báo, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội.
Theo quy định, NSC có 8 nhiệm vụ chính, trong đó có soạn thảo chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, các chính sách bảo tồn bản sắc dân tộc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong nước, chỉ đạo chính sách đối ngoại và chiến lược hợp tác quốc tế phục vụ lợi ích an ninh quốc gia.
TTXVN/Tin tức