RDIF là cơ quan chịu trách nhiệm quảng bá vaccine Sputnik V ra nước ngoài. Theo RDIF, Cơ quan dược phẩm Ai Cập đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V. Trước đó, Tunisia và Algeria cũng đã phê duyệt vaccine này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết vaccine ngừa COVID-19 sẽ có giá 200 bảng Ai Cập (12,8 USD), với phác đồ tiêm 2 liều trong vòng 21 ngày.
Phát biểu trên kênh ON, Bộ trưởng Zayed nêu rõ những gia đình và cá nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ được tiêm miễn phí. Kể từ ngày 28/2, Ai Cập sẽ mở trang web để người dân đăng ký tiêm phòng, với những người mắc bệnh mãn tính và người trên 40 tuổi sẽ nằm trong nhóm ưu tiên và được tiêm phòng mũi đầu tiên trong tuần đầu của tháng 3.
Trước đó, Ai Cập đã đặt mua được vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh - Thụy Điển). Các lô vaccine đầu tiên đã đến Ai Cập vào ngày 23/2 vừa qua.
* Cùng ngày, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva cho biết Bồ Đào Nha sẽ chuyển 5% lượng vaccine của nước này cho một số nước châu Phi nói tiếng Bồ Đào Nha và Timor Leste trong nửa sau của năm 2021.
Với dân số chỉ trên 10 triệu người, nhưng Bồ Đào Nha sẽ nhận được 35 triệu liều vaccine trong năm nay theo cơ chế mua chung của Liên minh châu Âu (EU), với chủ yếu là các loại vaccine tiêm 2 mũi. Điều này giúp Bồ Đào Nha có dư vài triệu liều vaccine và con số 5% sẽ tương đương với 1,75 triệu liều.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Santos Silva nêu rõ những nước sẽ được Bồ Đào Nha hỗ trợ vaccine bao gồm Angola, Mozambique, Cape Verde, Guinea Bissau, Guinea Xích đạo, Sao Tome - Principe và Timor Leste. Nhân viên y tế tại các nước này sẽ được đào tạo công tác tiêm phòng.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nhấn mạnh việc hỗ trợ công tác tiêm phòng trên toàn cầu đóng vai trò quan trọng việc xóa bỏ dịch COVID-19. Theo ông, không đất nước nào an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.
Các nước châu Phi đang gặp khó khăn trong việc đặt mua vaccine ngừa COVID-19 cho 1,3 tỷ người trong khu vực. Hiện chỉ có một số nước trong châu lục đã bắt đầu tiêm phòng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận chương trình COVAX đã phân phối lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tới Ghana. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đóng góp thêm 500 triệu euro (606 triệu USD) cho chương trình COVAX - cơ chế được thiết lập nhằm phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu và Mỹ nhanh chóng gửi đủ liều vaccine đến châu Phi để tiêm phòng cho các nhân viên y tế.
* Ngày 24/2, Chính phủ Thụy Sĩ xác nhận các kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh COVID-19 hiện nay, theo đó những hoạt động có nguy cơ lây nhiễm thấp sẽ được nối lại trước tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong giai đoạn đầu của kế hoạch nới lỏng hạn chế, các cửa hàng, bảo tàng, thư viện và sở thú sẽ có thể mở cửa trở lại từ ngày 1/3. Các sự kiện ngoài trời với tối đa 15 người cũng sẽ được phép diễn ra - tăng so với giới hạn 5 người đang áp dụng hiện nay. Các hoạt động giải trí diễn ra ngoài trời như quần vợt và trượt băng được phép diễn ra miễn là tuân thủ các hạn chế về vệ sinh. Các cuộc thi thể thao và hòa nhạc dành cho thanh thiếu niên được phép tổ chức nhưng không có khán giả hoặc thính giả.
Trong một tuyên bố, chính phủ tái khẳng định việc nới lỏng các hạn chế một cách thận trọng và dần dần nhằm tạo thêm không gian cho đời sống kinh tế và xã hội, mặc dù thực tế là tình hình dịch bệnh vẫn còn bấp bênh do các biến thể mới, dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Thụy Sĩ đang chịu áp lực để cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại trước ngày đề xuất ban đầu là ngày 1/4. Kế hoạch hiện đã được đẩy sớm lên ngày 22/3 nếu tình hình dịch tễ cho phép, nhưng chính phủ cấm ăn uống ngoài trời theo đề nghị của một số bang. Tình hình sẽ được đánh giá lại 10 ngày trước thời điểm áp dụng biện pháp mới. Các cuộc thảo luận sâu hơn về kế hoạch sẽ tiến hành vào ngày 12/3, bao gồm các đề xuất về việc nới lỏng đối với công việc bắt buộc từ xa và các hạn chế khác được áp dụng.
Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhấn mạnh rõ ràng không ai hài lòng với việc nối lại hoạt động từng bước song số ca mắc mới COVID-19 gia tăng và điều này không thể phớt lờ. Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset nói thêm rằng chính phủ sẽ thúc đẩy tiến trình mở cửa trở lại khi tình hình cho phép.
Thụy Sĩ ngày 24/2 đã ghi nhận 1.343 ca nhiễm mới COVID-19, 16 ca tử vong và 43 ca nhập viện. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này là 9.256 ca kể từ trường hợp đầu tiên được ghi nhận cách đây 1 năm. Hơn 23.300 người đã phải nhập viện trong vòng 1 năm do đại dịch này.
Cùng ngày, thống kê chính thức cho thấy ngành công nghiệp máy móc, kỹ thuật điện và kim loại (MEM) của Thụy Sĩ đã chứng kiến doanh số bán hàng giảm 9,8% và các đơn đặt hàng giảm 6,5% trong năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa trong lĩnh vực cơ khí bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 12,4%, tiếp theo là kim loại (giảm 11,2%), kỹ thuật điện/điện tử (giảm 9,4%) và dụng cụ chính xác (giảm 8,5%). Khoảng 6.600 lao động bị mất việc trong lĩnh vực này do suy thoái kinh tế.
Xuất khẩu hàng hóa của các ngành thuộc MEM giảm 11,2% gây thiệt hại 7,6 tỷ CHF (8,3 tỷ USD). Tất cả các khu vực bán hàng chính đều bị ảnh hưởng với xuất khẩu sang Mỹ giảm nhiều nhất 12,6%.