Thông tin này được công bố vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) quyết định thả nổi đồng bảng Ai Cập (EGP) khiến đồng tiền này mất giá gần 40%.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) Hassan Abdullah và Trưởng phái đoàn IMF tại Ai Cập, bà Ivana Vladkova Hollar, Thủ tướng Mostafa Madbouly cho biết thỏa thuận với IMF nằm trong khuôn khổ các chính sách cải cách cơ cấu tổng thể cho nền kinh tế do chính phủ đề xuất. Mục tiêu của chương trình này là tăng dự trữ ngoại tệ mạnh, giảm nợ trong và ngoài nước, đảm bảo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ai Cập, giảm lạm phát, tạo cơ hội việc làm và tăng cường các chương trình bảo trợ xã hội.
Ngày 6/3, đồng bảng Ai Cập được giao dịch ở mức kỷ lục 50,6 (EGP)/1USD tại các ngân hàng thương mại, sau hơn một năm tỷ giá hối đoái chính thức giữ ổn định ở mức 30,9 EGP/1 USD. CBE cũng tăng lãi suất tiền gửi thêm 6%, lên mức cao kỷ lục 27,25%. Đây được xem là một bước đi táo bạo của Ai Cập nhằm đối phó với những thách thức kinh tế.
Ông Madbouly cho biết thêm Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phát triển của Ai Cập sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho nước này dựa trên thỏa thuận mới với IMF. Ai Cập cũng dự kiến nộp đơn lên Quỹ môi trường toàn cầu liên quan đến khoản vay khác từ 1 đến 1,2 tỷ USD.
Theo ông, chính phủ đặt mục tiêu tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và giúp khu vực này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông cũng thông báo rằng chính phủ đã đặt mức trần cho tổng đầu tư công ở mức 1.000 tỷ bảng Ai Cập (khoảng hơn 20 tỷ USD), một phần của chương trình tổng thể cho phép Ai Cập đạt được sự ổn định tiền tệ. Ông nói thêm tất cả các quyết định kinh tế gần đây đều phản ánh mục tiêu của nhà nước là tối đa hóa việc sử dụng tài sản của mình.
Trong khi đó, Thống đốc CBE Hassan Abdallah cho biết sự hợp tác hiệu quả với IMF giúp Ai Cập đạt được các mục tiêu cải cách kinh tế.
Tháng 12/2022, IMF đã phê duyệt thỏa thuận cho Ai Cập vay 3 tỷ USD trong 46 tháng theo Cơ chế quỹ mở rộng (EFF). Tỷ giá hối đoái hoàn toàn linh hoạt và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn là hai trong số những điều kiện mà IMF đặt ra với Ai Cập để được nhận khoản vay trên.
Trong những năm gần đây, Ai Cập đã 3 lần phá giá đồng nội tệ, song lại trì hoãn việc thả nổi hoàn toàn với lý do quyết định này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ước tính, khoảng 75% người dân nước này sống dưới hoặc ở đúng mức nghèo.