Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về hành động mạnh tay của cảnh sát chống lại người biểu tình trong vụ bạo lực trên, và khẳng định đã đưa vụ này ra điều tra. Phát biểu với báo giới, ông Ibrahim cho biết sẽ đích thân đón những người bị thương từ bệnh viện trở về để xin lỗi họ. Được biết, một người đã thiệt mạng và người bị thương trong cuộc đụng độ này.
Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Tuy nhiên, ông Ibrahim cũng cảnh báo nếu lực lượng cảnh sát sụp đổ, Ai Cập sẽ trở lại thời rối loạn như các nước láng giềng. Ông cũng giải thích thêm rằng các nhân viên an ninh đã tránh những người biểu tình hòa bình cho tới khi khoảng 300 người quá khích muốn đụng độ với các cảnh vệ ở Phủ Tổng thống và tấn công dinh thự này bằng chai lọ và pháo sáng. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Ông cũng cho biết thêm 15 cảnh sát đã bị thương và 11 người biểu tình bị bắt.
Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập Hesham Qandil đã lên án các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Tuyên bố trên truyền hình sau khi thị sát an ninh tại Quảng tường Tahrir, Thủ tướng Qandil đề nghị tất cả các lực lượng chính trị kêu gọi những người ủng hộ rút khỏi các ngả đường gần Phủ Tổng thống, và nói "không" với bạo lực.
Ông nhấn mạnh rằng các yêu cầu hợp pháp nên được thể hiện thông qua các kênh hợp pháp, song cũng thừa nhận các lực lượng chính trị đã không kiểm soát được tình hình. Chính phủ đang tích cực làm việc để đáp ứng các nhu cầu căn bản của nhân dân bất chấp tình trạng kinh tế không tốt hiện nay.
Trong khi đó, nhóm đối lập chính ở Ai Cập là Mặt trận Cứu quốc (NSF) lên án hành động trấn áp của cảnh sát trong cuộc biểu tình là "vi phạm quyền công dân Ai Cập". NSF đòi đưa ra xét xử công bằng tất cả những người chịu trách nhiệm về "các vụ giết chóc, tra tấn và giam giữ bất hợp pháp, bắt đầu từ Tổng thống Mohamed Morsi".
Nhóm này còn kêu gọi biểu tình trên cả nước nhằm lật đổ Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo. NSF khẳng định sẽ không tham gia đối thoại dân tộc cho tới khi nào máu ngừng đổ và cuộc điều tra được tiến hành nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, trong ngày 31/1, NSF đã ký một thỏa thuận với các đảng Hồi giáo đối địch, kêu gọi lên án bạo lực và thiết lập cơ chế cho một cuộc đối thoại dân tộc để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Lễ ký được tiến hành trong khuôn khổ một hội nghị do Viện Hồi giáo cấp cao An-Azhar của Ai Cập tổ chức, với sự tham dự của các thủ lĩnh NSF, Đảng Salafist al-Nour, Đảng Al-Wasat và nhiều đảng khác.
TTXVN/ Tin tức