Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Sharm El-Sheikh, được phát triển bởi Trung tâm quốc tế về giải quyết xung đột, gìn giữ và xây dựng hòa bình Cairo (CCCPA) với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), sáng kiến này sẽ góp phần hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi, cũng như sáng kiến “Ngưng tiếng súng”, và Kế hoạch hành động và Chiến lược phát triển khả năng thích ứng và biến đổi khí hậu châu Phi (2022-2032).
Phát biểu tại lễ khởi động sáng kiến CRSP, Chủ tịch COP27, Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry nói rằng châu Phi góp phần ít nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những hiện tượng thời tiết toàn cầu bất thường. Sự tàn phá của biến đổi khí hậu kết hợp với các cuộc xung đột tạo ra những tác động sâu rộng trên khắp “lục địa Đen”. CRSP sẽ giúp đưa ra hành động đối với những vấn đề quan trọng này vì nó giải quyết các rủi ro tiềm tàng do biến đổi khí hậu gây ra cho hòa bình và phát triển bền vững. Theo ông Shoukry, CRSP tìm cách tăng cường năng lực của Châu Phi và khắc phục những khoảng cách hiện có trong sự hợp tác với nhiều đối tác và các bên liên quan, phù hợp với quyền sở hữu quốc gia và đặc điểm bối cảnh cụ thể hiện nay.
Ủy viên phụ trách kinh tế nông thôn và nông nghiệp tại Ủy ban Liên minh châu Phi, bà Josefa Leonel Correia Sacko, khẳng định rằng Sáng kiến CRSP được thiết kế xoay quanh bốn trụ cột bao gồm tăng cường mối liên hệ giữa thích ứng với khí hậu với xây dựng hòa bình; duy trì hòa bình thông qua hệ thống thực phẩm có khả năng thích ứng với khí hậu; thúc đẩy các giải pháp bền vững cho mối liên hệ giữa di cư và khí hậu; tăng cường tài chính khí hậu để duy trì hòa bình. Liên minh châu Phi sẽ hợp tác với Cộng hòa Arab Ai Cập và các đối tác quốc tế nhằm thực hiện chương trình này trong 5 năm tới.
Trợ lý Tổng thư ký kiêm Giám đốc văn phòng khu vực của UNDP tại các quốc gia Arab, Khalida Bouzar, cho rằng UNDP rất vinh dự được hợp tác với trung tâm CCCPA nhằm triển khai sáng kiến CRSP, thừa nhận rằng hành động khí hậu không chỉ mang lại lợi ích cho phát triển và môi trường, mà còn cho hòa bình, ổn định và an ninh. Theo ông Bouzar, trong bối cảnh mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột, thích ứng, tiếp cận nguồn nước và năng lượng tái tạo là những điểm mấu chốt để xây dựng hòa bình và đảm bảo phục hồi một cách bền vững.
CRSP là sáng kiến lần đầu tiên được đưa ra bởi một vị Chủ tịch COP nhằm giải quyết mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và xây dựng hòa bình. Đây là một dấu mốc quan trọng phản ánh cam kết của Ai Cập trong việc tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách tích cực và bao trùm.