Phát biểu tại một sự kiện ở Cairo, Tổng thống al-Sisi nói thêm rằng người dân Ai Cập cần có cảm giác an toàn và khả năng bảo vệ đất nước của quân đội. Ông cũng nhấn mạnh Ai Cập sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong giải quyết xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, không mong muốn xung đột lan rộng trong khu vực.
Xung đột giữa Hamas và Israel không chỉ khiến lực lượng hai bên chịu thiệt hại mà còn có nguy cơ ảnh hưởng cả các nước láng giềng như Liban và Ai Cập. Ngoài sự cố máy bay không người lái, cũng trong ngày 27/10, một quả tên lửa đã rơi xuống khu vực hoang vắng gần thị trấn Nuweiba của Ai Cập, cách biên giới với Israel khoảng 70 km. Phía Israel cáo buộc lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng quả tên lửa này.
Trong diễn biến liên quan, ngày 28/10, quân đội Israel (IDF) thông báo đã đánh chặn thành công 1 tên lửa đất đối không bắn từ Liban nhằm vào máy bay không người lái của phía Israel, đồng thời tấn công lại về phía địa điểm phóng tên lửa. Máy bay của IDF không tổn hại.
Trong khi đó, Chính phủ Liban thông báo đã chuẩn bị các phương án sơ tán Sân bay quốc tế Beirut Rafic Hariri và các cơ sở dịch vụ liên quan trong trường hợp khẩn cấp. Thông báo không đề cập tới tình leo thang căng thẳng ở biên giới với Israel, nhưng trên thực tế các cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn diễn ra hằng ngày giữa lực lượng Hezbollah và quân đội Israel sau khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza từ ngày 7/10.
Năm 2006, máy bay của Israel từng tấn công đường băng của sân bay Beirut nhằm đáp trả vụ Hezbollah bắt giữ 2 quân nhân của Israel.
Cùng ngày, người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết chiến dịch quân sự nhằm vào Dải Gaza “đang diễn tiến theo các giai đoạn chiến tranh”. Trong đó, “các lực lượng bộ binh, thiết giáp, công binh và pháo binh đều tham gia chiến dịch, kèm theo hỏa lực dày đặc”. Cho đến nay vẫn chưa có binh sĩ nào của Israel bị thương vong trong chiến dịch mở rộng hoạt động trên bộ của IDF.