Ai Cập kêu gọi các phe phái tại Libya nắm bắt cơ hội để giải quyết khủng hoảng

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông khu vực ngày 16/5 đưa tin Bộ Ngoại giao Ai Cập đã kêu gọi các quan chức thuộc các phe phái đối địch ở Libya nắm bắt cơ hội tại vòng đàm phán thứ hai ở Cairo để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Libya gác tại một điểm kiểm soát ở đông nam thủ đô Tripoli ngày 4/9/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh cơ quan này nhận thức rõ mức độ nhạy cảm và khó khăn của các vấn đề, song vẫn tin tưởng vào khả năng và cam kết của các bên ở Libya nhằm đảm bảo các lợi ích của người dân. 

Ủy ban Hiến pháp chung của Libya, gồm các đại diện từ Quốc hội và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya, đã bắt đầu cuộc họp vòng hai tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 15/5 vừa qua nhằm thảo luận và thống nhất về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của nước này. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), bà Stephanie Williams đã tham dự cuộc họp. Giới quan sát hy vọng cuộc họp sẽ đạt được một thỏa thuận hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya.

Với tư cách nước chủ nhà, Ai Cập đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tiến trình lập hiến mà người dân Libya đang kỳ vọng. Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh 7 triệu người Libya đang hướng về các cuộc đàm phán với hy vọng cuộc họp vòng hai sẽ đáp ứng nguyện vọng của họ bằng việc thông qua một khuôn khổ hiến pháp. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng bày tỏ tin tưởng rằng các nỗ lực của Ủy ban Hiến pháp chung sẽ giúp Libya ổn định và phát triển, đồng thời nhấn mạnh Cairo sẽ tiếp tục ủng hộ lộ trình hiến pháp của Libya dựa trên các mối quan hệ cân bằng với tất cả các bên.

Các cuộc họp trước đó, bao gồm cuộc họp diễn ra hồi tháng 10/2020 tại Cairo và hai cuộc họp được tổ chức tại Hurghada trong các tháng 1-2/2021, cũng như vòng đầu tiên của tiến trình đàm phán hiện tại diễn ra vào các ngày 13-18/4 vừa qua, đã mở đường cho các cuộc tham vấn chính trị cấp cao trong hai tuần qua.

Phát biểu tại cuộc họp trên, bà Williams nêu rõ thời gian không còn nhiều và người dân Libya đang lo lắng hơn bao giờ hết cho sự ổn định của đất nước. Đối với Libya, không có giải pháp nào ngoài việc tiến tới các cuộc bầu cử quốc gia toàn diện, công bằng, minh bạch và đáng tin cậy để đáp ứng nguyện vọng của người dân nước này. Cũng theo quan chức trên, công việc của Ủy ban Hiến pháp chung Libya đã bắt đầu vào ngày 13/4 và LHQ sẽ hoàn thành công việc của mình vào ngày 28/5, nghĩa là trong vòng 45 ngày. 

Trong khi đó, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) ngày 17/5 đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang diễn ra ở phía Tây thủ đô Tripoli của nước này.

Tuyên bố nêu rõ UNSMIL "bày tỏ quan ngại nghiêm trọng" về các cuộc đụng độ vũ trang hôm 15/5 ở khu vực Janzour, một khu dân cư đông đúc ở Tripoli. Tuyên bố cho biết thêm việc huy động các lực lượng liên kết với các nhóm vũ trang khác nhau đang làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ đụng độ, có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Do vậy, các bên xung đột ở Libya cần kiềm chế tối đa và sử dụng đối thoại để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi. Từ năm 2014, nước này lâm vào tình trạng chia rẽ giữa các phe phái đối địch ở miền Tây - nơi có thủ đô Tripoli, và miền Đông - nơi Quốc hội chuyển đến. Năm 2021, Libya tương đối yên bình sau khi các phe phái chính trị đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài vào tháng 10/2020 và LHQ thúc đẩy kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp, tuy nhiên cho đến nay Hội đồng Cấp cao Nhà nước và Quốc hội Libya vẫn bất đồng về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng quy tắc hiến pháp cho những cuộc bầu cử này.

Nguyễn Trường - Văn Khoa (TTXVN)
LHQ tiếp tục gia hạn sứ mệnh phái bộ tại Libya
LHQ tiếp tục gia hạn sứ mệnh phái bộ tại Libya

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 29/4 đã thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh của Phái bộ LHQ tại Libya (UNSMIL) thêm 3 tháng, đến ngày 31/7 tới, đồng thời kêu gọi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhanh chóng bổ nhiệm một đặc phái viên ở Libya và đặt trụ sở tại Tripoli. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN