Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Sharm El-Sheikh, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Bloomberg TV, Ngoại trưởng Shoukry khẳng định ông sẽ thúc đẩy các nỗ lực để hướng tới việc đạt được một thỏa thuận thỏa đáng cho tất cả các bên liên quan vấn đề giải quyết những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ai Cập, đồng thời là Chủ tịch COP27, nhắc lại rằng "phản ứng một cách công bằng và bình đẳng" đối với vấn đề đầy thách thức này chắc chắn là trách nhiệm của các bên. Ông Shoukry nói thêm: "Trách nhiệm của tôi là tạo điều kiện giải quyết các quan điểm khác nhau và đề xuất một số công thức có thể được các bên chấp thuận".
Trước đó, ngày 14/11, LHQ đã công bố dự thảo văn bản với 2 đề xuất được đánh giá là có thể mở đường cho các bên tham gia COP27 đạt được thỏa thuận về vấn đề hỗ trợ giải quyết "tổn thất và thiệt hại" cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Theo đề xuất đầu tiên, COP27 sẽ thành lập một quỹ "tổn thất và thiệt hại" vào cuối năm 2024. Còn theo đề xuất thứ hai, các khâu kỹ thuật cần được tiến hành trong 2 năm để đánh giá liệu vấn đề này có nên được giải quyết thông qua một thỏa thuận hỗ trợ rộng lớn hơn hay không.
Theo ông Shoukry, phần lớn các bên tham gia COP27 đều coi trọng vấn đề "tổn thất và thiệt hại" do biến đổi khí hậu gây ra. Ông lưu ý rằng hội nghị cũng đang tập trung vào những vấn đề khác như giảm thiểu, thích ứng, duy trì mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như vấn đề tài chính khí hậu, bao gồm cả việc cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm được đưa ra tại COP15 ở Copenhagen (Đan Mạch) vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Ông Shoukry khẳng định việc thông qua các quyết định dựa trên đồng thuận vào cuối hội nghị COP27 phụ thuộc vào ý chí của các bên. Chủ tịch COP27 nói thêm: "Chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng. Chúng ta cần phải giải quyết khủng hoảng ngay ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai. Chúng ta không nên trì hoãn và cần nhìn vào bức tranh tổng thể về hậu quả của biến đổi khí hậu, cũng như tác động của nó đối với cuộc sống và sinh kế".
Là những nước tạo ra nhiều khí thải carbon nhất trên toàn cầu, các quốc gia phát triển đã bị thúc giục bồi thường cho các nước đang phát triển liên quan các thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt.