Ngoại trưởng Ai Cập tuyên bố sẽ nỗ lực giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu, bao gồm việc thực hiện các cam kết về khí hậu và khẳng định rằng châu lục này không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng khí hậu, song phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực nhất trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị.
COP27 cũng sẽ chú trọng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như việc cung cấp nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước đang phát triển.
Quan chức ngoại giao Ai Cập cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng hỗ trợ cho các quốc gia nghèo đang đối mặt với sự tàn phá của biến đổi khí hậu, khẳng định thêm rằng các nước nghèo “là những nước xứng đáng nhất được hỗ trợ”.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Shoukry cũng bày tỏ quan ngại về các thách thức mà thế giới đang đối mặt như khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu... Ông nhấn mạnh tới cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay của châu Phi, khi cứ 5 người sống trên lục địa này thì có một người có nguy cơ bị đói. Theo ông, đại dịch COVID-19 cùng với tác động của biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến chi phí và nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ai Cập đã phải vay tiền để mua lúa mì nhằm cung cấp cho người nghèo ở đất nước Bắc Phi này.