Ai Cập: Ngày bỏ phiếu đầu tiên về hiến pháp diễn ra suôn sẻ

Cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp sửa đổi đã diễn ra khá thành công với hình ảnh đông đảo cử tri kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi từ sáng sớm ngày 14/1 trước các địa điểm bỏ phiếu và an ninh vẫn được đảm bảo trên khắp cả nước, ngoại trừ một vài vụ đụng độ lẻ tẻ.

Cử tri Ai Cập bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới tại Cairo. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo tuyên bố của Ủy ban bầu cử Tối cao Ai Cập (SEC), phần lớn các địa điểm bỏ phiếu đã được mở cửa vào đúng 9 giờ sáng theo đúng kế hoạch. Do tỷ lệ cử tri đi bầu cao, SEC đã mở thêm các hòm phiếu dành cho các cử tri sống xa địa điểm đăng ký thường trú tại tỉnh tây bắc Matrouh, thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh nằm bên bờ biển Đỏ, thành phố kênh đào Suez và khu vực Obour City ở thủ đô Cairo.

Ủy ban này đã nhận được một số phàn nàn của cử tri tại một số địa điểm về việc phải chờ đợi quá lâu để được bỏ phiếu do người dân tập trung quá đông và đã quyết định cử thêm các thẩm phán và nhân viên tới tăng cường.

Bầu không khí lễ hội tràn ngập tại nhiều điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước trong ngày đầu tiên diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới, mặc dù ít nhất 9 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ lẻ tẻ và vụ đánh bom gần trụ sở Tòa án Bắc Cairo tại quận Imbala thuộc tỉnh Giza xảy ra trước thời điểm mở cửa hòm phiếu hơn một giờ, khiến mặt tiền tòa nhà bị phá hủy song không gây thương vong.

Số người thiệt mạng gia tăng dần từ trưa khi những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đụng độ với người dân địa phương và lực lượng an ninh. Tại tỉnh Sohag ở vùng Thượng Ai Cập, 4 người biểu tình Hồi giáo đã thiệt mạng, trong đó có một thiếu niên 14 tuổi.

Các cuộc đụng độ tại tỉnh Giza nằm sát thủ đô Cairo cũng khiến 4 người thiệt mạng, trong khi ít nhất một người bị sát hại tại tỉnh miền nam Beni Suef khi cố gắng đột nhập vào một phòng bỏ phiếu. Ngoài ra, theo thông báo của Bộ Y tế Ai Cập, 3 cử tri đã qua đời vì các "nguyên nhân tự nhiên".

Tuy nhiên, bất chấp các mối đe dọa an ninh, đông đảo cử tri trên cả nước vẫn đi bỏ phiếu trong tâm trạng phấn chấn và vui vẻ. Nhiều cử tri nữ thể hiện sự hoan hỉ và cùng nhau hò reo sau khi bước ra khỏi phòng bỏ phiếu. Đám đông cử tri hát các bài ca ca ngợi Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah El-Sisi và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ quân đội.

Đại đa số cử tri được hỏi cho biết đã bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp và cho rằng văn kiện này sẽ "mang lại sự thịnh vượng và phước lành" cho Ai Cập. Cử tri cũng tin tưởng và dự đoán rằng tỷ lệ ủng hộ hiến pháp mới sẽ rất cao, tương tự như kết quả của cuộc bỏ phiếu được tổ chức tại các đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao của Ai Cập ở nước ngoài vào ngày 8 - 12/1 vừa qua.

Sáng 14/1, Tổng thống lâm thời Adly Mansour và Thủ tướng lâm thời Hazem El-Beblawi đã đi bỏ phiếu sớm tại khu vực cư trú ở quận Heliopolis ở Cairo. Xuất hiện trên truyền hình quốc gia sau khi bỏ phiếu, ông Mansour đã hối thúc người dân đi bỏ phiếu và nhấn mạnh rằng hành động này "không chỉ thể hiện sự ủng hộ đối với hiến pháp mà cả lộ trình tương lai của đất nước".

Trong khi đó, Thủ tướng Beblawi ra tuyên bố trấn an người dân và khẳng định rằng các biện pháp an ninh đặc biệt đã được triển khai cho cuộc bỏ phiếu này. Giáo hoàng Tawadros II, người đứng đầu Giáo hội Cơ đốc giáo Ai Cập, là người bỏ lá phiếu đầu tiên tại một địa điểm bỏ phiếu ở quận trung tâm Abbasiya của Cairo.

Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah El-Sisi và Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim cũng đã đi thị sát các điểm bỏ phiếu và được cử tri chào đón nồng nhiệt.

Xung quanh cuộc bỏ phiếu, hãng thông tấn nhà nước MENA dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Quyết định và Thông tin thuộc Chính phủ Ai Cập Sherif Badr cho biết đã ghi nhận một số vụ việc. Trong đó, tại một số địa điểm bỏ phiếu, các thẩm phán đã xúi giục cử tri bỏ phiếu chống lại hiến pháp mới. Tại tỉnh Giza, một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ MB và cảnh sát khiến một địa điểm bỏ phiếu ở thị trấn Nahya phải tạm đóng cửa trong 20 phút.

Tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải, lực lượng an ninh đã giải tán đám đông những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) tại một số khu vực nhằm ngăn chặn những người này tổ chức tuần hành hoặc biểu tình gây rối. Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi ở tỉnh miền bắc Damietta.

Tại thành phố Sadat thuộc tỉnh Menoufiya, cách Cairo hơn 90 km về phía tây bắc, các chuyên gia chất nổ đã vô hiệu hóa 5 quả bom tự tạo cài trước một trường học. Tại tỉnh Bắc Sinai bất ổn, an ninh đã được tăng cường tối đa. Các mạng Internet, điện thoại di động và cố định chỉ được nối lại vào lúc 9 giờ sáng tại đây sau khi bị chính quyền cắt đứt nhằm đảm bảo an ninh.

Tại Cairo, lực lượng an ninh đã buộc phải can thiệp để giải tán một cuộc biểu tình chống cảnh sát và quân đội của các sinh viên trường đại học Al-Azhar ủng hộ MB sau khi những người này đốt lốp xe và phong tỏa giao thông trong khu vực. Tại tỉnh Fayoum ở phía nam Cairo, một tay súng bịt mặt đã xả súng vào nhà thờ của người Cơ Đốc giáo song không gây thương vong. Trong khi đó, Tỉnh trưởng Beni Suef Magdy al-Betaity cho biết 144 nhân viên có liên hệ với MB đã bị loại khỏi danh sách những người tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân.

Mỹ sẽ nối lại viện trợ kinh tế và quân sự cho Ai Cập

Trong một diễn biến khác, với dự luật chi tiêu ngân sách chi tiết cho tài khóa 2014 đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhất trí và sớm thông qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ nối lại các khoản viện trợ kinh tế và quân sự đã bị đình hoãn phần lớn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 7/2013 tại Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi.

Trong khoản viện trợ hơn 1,5 tỷ USD dành cho Ai Cập trong tài khóa 2014 có 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự và 250 triệu USD cho kinh tế. Tuy nhiên, điều khoản viện trợ này được gắn với điều kiện Chính phủ Ai Cập phải có những bước đi theo hướng phục hồi dân chủ.

Dự luật cũng quy định rằng khoản tiền viện trợ này chỉ được chuyển giao sau khi Ngoại trưởng Mỹ có báo cáo xác định Chính phủ Ai Cập tiếp tục duy trì quan hệ chiến lược với Mỹ, đồng thời cũng làm tròn trách nhiệm theo các điều khoản trong hiệp định hòa bình ký giữa Ai Cập và Israel năm 1979.

Việc nối lại các khoản viện trợ cho Ai Cập sẽ là lần đầu tiên Mỹ cung cấp viện trợ cho một quốc gia sau đảo chính, bất chấp hai nước vẫn còn nhiều bất đồng.

Ngày 9/10/2013, sau khi giới cầm quyền quân sự tại Ai Cập đàn áp những người biểu tình, Tổng thống Obama tuyên bố tạm dừng việc chuyển giao xe tăng, máy bay, các thiết bị quân sự khác và 250 triệu USD tiền mặt cho Ai Cập. Tuy nhiên, cho tới nay, Nhà Trắng vẫn không công khai nhìn nhận việc lật đổ Tổng thống Morsi là một cuộc đảo chính quân sự.


TTXVN/Tin tức
Ai Cập bắt giữ 140 người âm mưu phá rối trưng cầu dân ý
Ai Cập bắt giữ 140 người âm mưu phá rối trưng cầu dân ý

Lực lượng an ninh Ai Cập đã bắt giữ tổng cộng 140 người với các cáo buộc "gây bạo loạn và âm mưu cản trở quá trình bỏ phiếu" trong ngày đầu tiên của cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN