Ngày 29/8, Tòa án Cairo (Ai Cập) đã tuyên án 3 năm tù giam đối với 3 nhà báo của Kênh truyền hình Al-Jazeera, đóng trụ sở ở Qatar.3 nhà báo Al-Jazeera ngồi trong buồng bị cáo tại một phiên tòa ở Ai Cập hồi tháng 6/2014. Ảnh: AP |
Theo phán quyết của toà án trên, 3 nhà báo gồm Mohamed Fahmy (người Canada), Baher Mohamed (người Ai Cập) và Peter Greste (người Australia) bị kết án 3 năm tù với tội danh lan truyền những "tin tức giả" gây phương hại tới lợi ích quốc gia của Ai Cập. Ngoài 3 nhà báo trên, 3 bị cáo khác người Ai Cập cũng nhận bản án tương tự với tội giúp đỡ các nhà báo của kênh truyền hình Al-Jazeera.
Trước đó, phiên tòa xét xử lại này đã nhiều lần bị hoãn. Năm 2014, một thẩm phán Ai Cập từng tuyên án 7 năm tù đối với nhà báo Greste và Fahmy, trong khi kết án 10 năm tù dành cho nhà báo Mohamed. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm đã tuyên hủy bản án trên, đồng thời yêu cầu xét xử lại.
Ba nhà báo trên bị bắt hồi tháng 12/2013, nhiều tháng sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và tiến hành một chiến dịch trấn áp những người ủng hộ ông. Vào thời gian đó, Qatar, nước sở hữu kênh truyền hình Al-Jazeera, ủng hộ ông Morsi và Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) của ông này. Ba người này bị bắt với cáo buộc đưa tin ủng hộ MB trong các bản tin.
Phản ứng trước phán quyết trên của toà án Ai Cập, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 29/8 đã lấy làm tiếc về phán quyết trên, đồng thời kêu gọi giải quyết một cách nhanh chóng vụ việc và tuân thủ trách nhiệm quốc tế của Ai Cập để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Canada cũng bày tỏ thất vọng đối với bản án dành cho nhà báp Mohamed Fahmy, kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho nhà báo này.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho hay bà cảm thấy "thất vọng", trong khi Mỹ bày tỏ "sự lo ngại và thất vọng sâu sắc" đối với phán quyết của Tòa án Ai Cập. Còn Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi của Vương quốc Anh Tobias Ellwood cho rằng bản án trên sẽ hủy hoại lòng tin trong nỗ lực hướng tới sự ổn định lâu dài và bền vững của Ai Cập.