Ai Cập phong tỏa tài sản các thủ lĩnh MB

Tòa án Hình sự Bắc Cairo ngày 17/9 đã quyết định phong tỏa tài sản của các nhà lãnh đạo cấp cao tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và một số nhân vật Hồi giáo khác theo đề nghị của Tổng công tố Hisham Barakat.

Quyết định trên nhằm vào 25 người, trong đó có thủ lĩnh tối cao của MB Mohamed Badie, cấp phó của ông này Khairat El-Shater, cựu thủ lĩnh tối cao của MB Mahdi Akef, Chủ tịch Đảng Tự do và Công lý (FJP - nhánh chính trị của MB) Saad El-Katatni, Phó Chủ tịch FJP Essam El-Erian.

Lực lượng an ninh kiểm tra các phương tiện giao thông trong giờ giới nghiêm tại Cairo đêm 11/9/2013. Ảnh: THX/TTXVN


Ngoài ra, tòa án cũng ra lệnh phong tỏa tài sản của chính khách Hồi giáo Hazem Salah Abu-Ismail, Phó chủ tịch đảng Hồi giáo Wasat Essam Sultan, giáo sĩ Hồi giáo Safwat Hegazy, cựu nghị sĩ Mohamed El-Omda, cùng hai lãnh đạo của tổ chức Hồi giáo có quan điểm cứng rắn Al-Gamaa Al-Islamiya.

Trước đó, ngày 14/7, các công tố viên Ai Cập cũng ra lệnh phong tỏa tài sản của 14 nhà lãnh đạo cấp cao của MB và các nhân vật Hồi giáo khác trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc kích động bạo lực tại các cuộc biểu tình ở quảng trường Quảng trường Nahda, tỉnh Giza, trước cửa trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa vào đầu tháng 7/2013, trước trụ sở chính của MB ở quận Moqattam vào cuối tháng 6/2013, và trước Phủ tổng thống Ittihadiya vào tháng 12/2012.

* Người phát ngôn của MB bị bắt giữ

Cũng trong ngày 17/9, lực lượng an ninh Ai Cập đã bắt giữ người phát ngôn của MB Gehad El-Haddad tại một căn hộ ở quận Nasr City thuộc Cairo, với cáo buộc kích động bạo lực và giết người. Theo nhật báo "Al Ahram", ông El-Haddad bị bắt giữ cùng cựu Thống đốc tỉnh Qalyoubia Hossam Abu El-Bakr và ngay sau đó đã được chuyển tới giam giữ tại nhà tù Tora ở ngoại ô Cairo.

Ông El-Haddad là con trai của thủ lĩnh MB và là cựu cố vấn tổng thống phụ trách đối ngoại ông Essam El-Haddad - người hiện đang bị biệt giam cùng Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại một địa điểm bí mật kể từ cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua. Trước khi bị bắt, ông El-Haddad đã sử dụng các trang mạng xã hội để cổ vũ cho các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi, đồng thời thường xuyên có mặt ở khu lán trại chính của những người ủng hộ nhà lãnh đạo Hồi giáo này.

Cùng ngày, một tòa án quân sự ở Ai Cập đã tuyên án 2-3 năm tù giam đối với 4 người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi với tội danh tổ chức biểu tình trong giờ giới nghiêm. Tòa án này cũng tuyên trắng án đối với hai sinh viên.

Trong khi đó, ông Salah Sultan, thủ lĩnh cấp cao của MB và là thành viên của Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB đứng đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi - đã lên tiếng xin lỗi người dân về các quyết định chính trị không được công chúng chấp thuận, trong đó có việc tiến hành đàm phán với cựu Phó Tổng thống Omar Suleiman, mở các kênh đối thoại với Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) cầm quyền sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.

Ông Sultan cũng cho rằng sai lầm của MB là đã không thu hút tầng lớp phụ nữ và thanh niên vốn từng đóng vai trò tích cực nhất trong cuộc chính biến ngày 25/1/2011. Điều này khiến họ quay lưng với MB và gia nhập các chính đảng khác để tiếp tục đấu tranh cho các mục tiêu cách mạng. Tuy được đăng tải trên trang web chính thức của FJP và đã được phe Hồi giáo thảo luận song ông Sultan cho biết đây là lời xin lỗi của cá nhân ông.

Trong diễn biến khác, theo người đứng đầu lực lượng an ninh tỉnh Sharqiya ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile, 2 sĩ quan quân đội đã bị thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ tấn công của các tay súng không rõ danh tính nhằm vào một xe quân sự. Cùng ngày, các tay súng giấu mặt cũng tấn công vào một đồn cảnh sát ở tỉnh Damietta song không gây thương vong. Trong khi đó, một lĩnh nghĩa vụ cũng bị thương trong vụ tấn công của các phiến quân Hồi giáo nhằm vào một trạm kiểm soát quân sự tại thị trấn Rafah thuộc tỉnh Bắc Sinai bất ổn.

Các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và cảnh sát đã gia tăng mạnh tại Ai Cập sau cuộc chính biến hôm 3/7, đặc biệt là sau khi cảnh sát dùng vũ lực giải tán hai khu lán trại của những người ủng hộ ông Mohamed Morsi tại Cairo và tỉnh Giza lân cận.


TTXVN/Tin tức
Ngoài Syria, Mỹ vẫn còn gánh nặng Ai Cập
Ngoài Syria, Mỹ vẫn còn gánh nặng Ai Cập

Trong lúc cần tập trung mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết những căng thẳng tại Syria, Mỹ vẫn chưa thể trút được gánh nặng tại một nơi khác cũng ở Trung Đông, đó là Ai Cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN