Hãng thông tấn Nga Novosti trích dẫn tuyên bố của GASC cho biết Ai Cập có thể tăng mua lúa mì Nga và các loại ngũ cốc khác, sau đó tái xuất khẩu sang các nước láng giềng, nếu một trung tâm logistics phân phối được thành lập tại Khu kinh tế Kênh đào Suez.
Theo nền tảng tin tức RT, GASC nhận định rằng trung tâm hậu cần của Nga trong Khu kinh tế Kênh đào Suez sẽ đóng vai trò là trung tâm dự trữ, buôn bán lúa mì và các loại ngũ cốc khác không chỉ ở Ai Cập, khu vực Arab mà còn cả ở Bắc và Đông Phi.
Liên quan tới mức độ ảnh hưởng của Ai Cập sau việc Nga đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, Bộ Cung ứng tuyên bố rằng quốc gia Bắc Phi này giống như các nước nhập khẩu khác, bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá và biến động của giá lúa mì toàn cầu.
Theo Bộ này, Ai Cập đã ký hợp đồng mua 360.000 tấn lúa mì của Nga vào ngày 2/8, nhằm tăng cường kho dự trữ chiến lược, trong đó kế hoạch giao hàng được dự kiến từ ngày 1 đến 10/9.
Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung đột xảy ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.
Thỏa thuận quy định rằng Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua hành lang nhân đạo do hạm đội Nga mở ở Biển Đen, với điều kiện ngũ cốc và phân bón Nga được tiếp cận thị trường quốc tế. Nga đã yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với việc xuất khẩu phân bón, dầu và các sản phẩm nông nghiệp, để đổi lấy việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.