Theo tờ Times of Israel, thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập được đưa ra trong bối cảnh quân đội Israel tiếp tục chiến dịch quân sự dọc biên giới Ai Cập-Gaza, một động thái mà Cairo cảnh báo có thể gây nguy hiểm cho hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 12/5 cho biết Cairo có ý định tham gia vụ kiện do những hành động ngày càng leo thang gần đây của Israel đối với thường dân Palestine.
“Động thái trên xuất phát từ mức độ nghiêm trọng và quy mô ngày càng tăng của các cuộc tấn công của Israel nhằm vào thường dân Palestine ở Dải Gaza, cũng như việc tiếp tục thực hiện các hoạt động có hệ thống chống người dân Palestine, bao gồm nhắm mục tiêu trực tiếp vào dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza, đẩy người Palestine vào tình cảnh phải chạy trốn”, Bộ Ngoại giao Ai Câp cho biết trong một tuyên bố.
Ai Cập cho biết họ sẽ không mở cửa biên giới để tiếp nhận một số lượng lớn người dân Gaza đang tìm cách tháo chạy khỏi cuộc giao tranh. Nước này cũng đã đóng cửa giao lộ Rafah nhằm phản đối hoạt động của IDF ở đó.
Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza và chấm dứt hoạt động quân sự ở Rafah.
Trước đó, hồi tháng 1, Nam Phi đã khởi kiện Israel lên ICJ, cáo buộc nước này phạm tội diệt chủng đối với người Palestine ở Gaza. Theo giới chức Palestine, số người chết trong cuộc chiến của Israel ở Gaza nổ ra từ tháng 10/2023 đã vượt quá 35.000 người và hầu hết những người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.
Israel phát động cuộc tấn công sau khi phong trào Hồi giáo Hamas mở một cuộc tập kích vào miền Nam Israel, khiến ít nhất 1.139 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là dân thường.
Trong vụ kiện của Nam Phi, ngày 26/1, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn các hành động diệt chủng đối với người Palestine ở Dải Gaza. Ngày 6/3, Nam Phi tiếp tục đề nghị ICJ ban hành lệnh khẩn cấp đối với Israel nhằm chấm dứt nạn đói lan rộng ở Dải Gaza. Ngày 28/3, ICJ đã yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo viện trợ cơ bản đến được với người dân Palestine ở Dải Gaza.
Ngoài Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Colombia cũng sẽ chính thức yêu cầu tham gia vụ kiện nhằm vào Israel. Trong tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ tìm cách tham gia vụ kiện.
Có thể sẽ mất nhiều năm trước khi tòa án ra phán quyết về vụ án diệt chủng. Mặc dù các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc và không được kháng cáo nhưng tòa án cũng không có quyền hạn để thực thi.
Israel nhiều lần khẳng định nước này hành động phù hợp với luật pháp quốc tế ở Gaza. Họ gọi vụ kiện cáo buộc diệt chủng của Nam Phi là vô căn cứ và cáo buộc Pretoria đóng vai trò là cánh tay hợp pháp của Hamas.
Theo cựu quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Israel Alon Liel, động thái mới nhất của Ai Cập là một đòn ngoại giao "không tưởng" đối với Israel.
“Ai Cập đặt nền tảng cho vị thế của chúng tôi ở Trung Đông. Các mối quan hệ mà Israel có ở Trung Đông và Bắc Phi ngày nay, bao gồm cả với Jordan, UAE và Maroc, đều là kết quả của những gì Ai Cập đã làm cách đây 40 năm. Với việc Ai Cập gia nhập Nam Phi tại The Hague, đó là một cú đấm ngoại giao thực sự. Israel sẽ phải xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc và lắng nghe thế giới. Chúng ta phải nhìn tổng thể trong bức tranh rộng hơn, về an ninh lâu dài của Israel, chứ không chỉ là trong vài tuần tới ở Gaza”, ông Lie đề cập đến hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Israel vài Ai Cập.
Theo các quan chức y tế Palestine, xe tăng và máy bay đã tấn công một số khu vực và ít nhất 4 ngôi nhà ở Rafah trong đêm 7/5, khiến 20 người Palestine thiệt mạng và một số người khác bị thương.
Rafah hiện là nơi trú ẩn của hơn một triệu người Palestine phải di dời. Cộng đồng quốc tế nhiều lần cảnh báo Israel rằng một cuộc tấn công trên bộ của Israel sẽ gây ra thảm họa nhân đạo cho dân thường. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói rằng cuộc tấn công Rafah là cần thiết để đánh bại Hamas.