Trong cuộc điện đàm, ông Shoukry và ông Cameron đã điểm lại những kết quả của vòng đàm phán mới nhất, vừa được tổ chức ở Cairo, nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và trao đổi con tin. Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động mọi nỗ lực quốc tế để đảm bảo thành công cho quá trình hòa giải hiện nay. Ông cũng kêu gọi các bên thể hiện sự linh hoạt và thực hiện những bước cần thiết nhằm đạt được thỏa thuận.
Hai ngoại trưởng cũng bàn về các hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza. Ông Shoukry nhấn mạnh những rủi ro nhân đạo thảm khốc đối với tương lai của hơn 1,4 triệu người Palestine và những hậu quả nghiêm trọng của các hành động quân sự mà Israel đang thực hiện tại Rafah. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ai Cập cũng cảnh báo hậu quả leo thang đối với hoạt động sơ tán những người bị thương và tiếp nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp khi Israel kiểm soát khu vực cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, cũng như việc phong tỏa cửa khẩu quan trọng này. Ông nhắc lại quan điểm của Ai Cập không chấp nhận việc cưỡng bức di dời người Palestine.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Ségournet, hai bên đã bàn về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, những diễn biến gần đây trong nỗ lực hòa giải và vòng đàm phán mới nhất do Cairo tổ chức. Hai ngoại trưởng kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và tiếp tục tăng cường các động thái quốc tế nhằm hối thúc các bên đạt được thỏa thuận và hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài. Hai bên cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở tất cả các cửa khẩu biên giới giữa Israel và Dải Gaza, nối lại việc đưa viện trợ nhân đạo vào dải đất đang bị phong tỏa này.
Cũng trong ngày 10/5, Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas cho biết sẽ tham vấn với các phe phái khác của Palestine để xem xét lại chiến lược đàm phán hướng tới đạt được ngừng bắn trong cuộc xung đột hiện nay với Israel.
Tuyên bố của Hamas cáo buộc Israel "lẩn tránh" thỏa thuận ngừng bắn, thể hiện qua việc Israel vẫn tiếp tục các hành động quân sự ở thành phố Rafah, kiểm soát cửa khẩu Rafah bên phía Palestine, ngay cả khi Hamas chấp nhận đề xuất của các nhà hòa giải.
Trước đó, ngày 9/5, phái đoàn Hamas đã rời thủ đô Cairo sau 3 ngày đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin không thu được kết quả tích cực nào. Trong tuyên bố, ông Ezzat al-Rishq, một quan chức của Hamas, khẳng định phong trào này vẫn cam kết "chấp nhận đề xuất do các nhà hòa giải đưa ra". Trong khi đó, Israel cho rằng đề xuất của Hamas có những nội dung mà nước này không thể chấp nhận được.
Trong thời gian diễn ra đàm phán, Israel đã triển khai chiến dịch ở Rafah, giành quyền kiểm soát khu vực cửa khẩu bên phía Palestine tại cửa khẩu biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập.
Trong một diễn biến liên quan, trong báo cáo công bố ngày 10/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích việc Israel sử dụng vũ khí Mỹ trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Israel đã sử dụng vũ khí theo những cách không phù hợp với luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đã kéo dài 7 tháng này. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng không thể đi đến "kết luận cuối cùng" về việc này vì không có đủ bằng chứng, do đó không thể ngăn chặn việc cung cấp vũ khí cho Israel.
Mối quan hệ giữa hai đồng minh đã xấu đi hồi đầu tuần này, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ dừng cung cấp đạn pháo và các vũ khí khác cho Israel nếu nước này tấn công Rafah. Ngày 10/5, Nhà Trắng tiếp tục phản đối Israel tiến hành hoạt động quân sự ở Rafah, song cho biết chưa thấy dấu hiệu Israel mở cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.