Cử tri Ai Cập bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Cairo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, các điểm bỏ phiếu tại 13/27 tỉnh của Ai Cập đã chính thức mở cửa vào lúc 9 giờ sáng 22/11 để đón cử tri. Theo Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, có hơn 28,2 triệu cử tri đăng ký tới 104 khu vực bầu cử để bỏ phiếu lựa chọn 282 nghị sỹ Quốc hội trong cuộc bầu cử giai đoạn hai, bao gồm 222 ghế dành cho ứng viên theo danh sách độc lập và 60 ghế theo danh sách đảng phái.
Các cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra ở nhiều tỉnh có đông dân số, trong đó có thủ đô Cairo, nên công tác đảm bao an ninh cho cử tri và các điểm bỏ phiếu được chú trọng, đặc biệt sau khi xảy ra vụ rơi máy bay Nga được cho là do khủng bố gây ra tại Bán đảo Sinai và các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô của Pháp và Mali. Khoảng 160.000 binh lính quân đội được triển khai để hỗ trợ lực lượng cảnh sát bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn hai, diễn ra trong hai ngày 22-23/11 tại 13 tỉnh còn lại, bao gồm Cairo, Qalioubiya, Daqahliya, Menoufiya, Gharbiya, Kafr Al-Sheikh, Sharqiya, Damietta, Port Said, Ismailiya, Suez, North Sinai và South Sinai.
Trong 2 ngày 21-22/11, công dân Ai Cập ở nước ngoài cũng tới hòm phiếu tại các Đại sứ quán và lãnh sự quán Ai Cập trên khắp thế giới. Tuy nhiên, bầu cử Quốc hội Ai Cập không được tổ chức tại nước Yemen, Syria, Libya và Trung Phi do bất ổn chính trị và an ninh.
Các cuộc bỏ phiếu giai đoạn một được tổ chức trong tháng 10 vừa qua ở 14 tỉnh đã diễn ra an toàn mặc dù tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt thấp với 25%. Cuộc bỏ phiếu giai đoạn một đã xác định được 273 ghế trong Quốc hội sắp tới, bao gồm 213 ghế theo danh sách ứng cử viên độc lập và 60 ghế theo danh sách đảng. Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập (FLE), liên minh ủng hộ Tổng thống Abdel Fatah Al-Sisi đã chiến thắng khi giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng phái, trong khi đảng Nour, đảng Hồi giáo duy nhất tham gia chạy đua vào Quốc hội, thất bại hoàn toàn khi không giành được ghế nào. FLE sẽ tiếp tục giành 60 ghế còn lại theo danh sách đảng tại cuộc bầu cử giai đoạn hai.
Giới quan sát nhận định, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại giai đoạn này sẽ không cải thiện so với giai đoạn một, do vắng nhiều đảng đối lập. Bên cạnh đó, nhiều cử tri Ai Cập, nhất là thanh niên, không quan tâm tới cuộc bầu cử được tuyên bố là dân chủ đầu tiên kể từ năm 2011. Trong khi đó, đa số trong hơn 5.000 ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử lần này đều ủng hộ đương kim Tổng thống Al-Sisi và lực lượng này được dự đoán là sẽ chiếm đa số ghế trong Quốc hội sắp tới. Những người chỉ trích nói rằng hệ thống bầu cử dành đa số ghế cho các ứng cử viên độc lập là một sự tụt lùi về thời kỳ chính trị của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, giai đoạn các ứng cử viên giàu có và có nhiều quan hệ thường dễ dàng giành ghế trong cơ quan lập pháp.
Bầu cử Quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013. Cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này.