Ai Cập: Tình hình chưa thực sự lắng dịu

Ít ngày sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tuyên bố từ chức, người dân Ai Cập nói riêng và thế giới Arập nói chung vẫn sống trong không khí ăn mừng. Sự ra đi của ông Mubarak đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước Ai Cập và chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới tình hình khu vực Trung Đông.

Ngay sau khi tiếp quản quyền điều hành đất nước trong thời gian quá độ, quân đội Ai Cập ngày 13/2 đã giải tán Quốc hội nước này, đình chỉ Hiến pháp hiện hành và thành lập một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới.

Người dân Yêmen tiếp tục các cuộc biểu tình ở thủ đô Xana ngày 13/2. Ảnh: AFP - TTXVN


Trong một thông cáo trên Đài truyền hình quốc gia, quân đội Ai Cập thông báo thời gian biểu khoảng 6 tháng để nước này tiến hành các cuộc bầu cử dân chủ để trao quyền điều hành đất nước cho một chính phủ dân sự mới. Giới quân sự Ai Cập cũng cho biết sẽ lãnh đạo đất nước trong 6 tháng hoặc cho tới khi các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội được tổ chức, và cam kết một tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho chính phủ dân sự mới này.

Quân đội cũng cho biết, sẽ tôn trọng mọi hiệp ước đã ký kết trong nước và quốc tế. Lực lượng này tuyên bố, chính phủ hiện tại sẽ chịu trách nhiệm cai quản đất nước trong giai đoạn lâm thời cho đến khi thành lập được chính phủ mới. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các ngày 13/2, Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq tuyên bố ưu tiên hàng đầu của chính quyền hiện nay là khôi phục an ninh và trật tự trong nước. Trong khi đó, người biểu tình Ai Cập kêu gọi quân đội đáp ứng các yêu cầu khác của họ như giải tán quốc hội và người đứng đầu tòa án hiến pháp sẽ tham gia lãnh đạo đất nước.

Trên quảng trường Tahrir, quân đội bắt đầu tháo dỡ lều bạt của người biểu tình để xe cộ có thể lưu thông và khôi phục lại cuộc sống bình thường ở trung tâm thủ đô Cairô. Hàng ngàn người biểu tình đã thu dọn và trở về nhà theo lời kêu gọi của quân đội. Tuy nhiên, một số vẫn từ chối rời quảng trường vì cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm và hàng chục người trong số đó đã xô xát với binh sỹ Ai Cập. Theo các nhân chứng, các binh sĩ Ai Cập đã đứng thành hàng và di chuyển xung quanh những người biểu tình tại quảng trường này, trong khi giao thông qua đây đã bắt đầu được nối lại lần đầu tiên trong hơn hai tuần qua.

Trước đó, một số nhà tổ chức biểu tình ở Ai Cập cho biết họ đang cố gắng thành lập một hội đồng để liên lạc với quân đội đang nắm quyền. Theo hãng tin Xinhua, hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm kêu gọi hoặc chấm dứt biểu tình tùy theo tình hình.

Nhận định về sự ra đi của ông Mubarak, nhiều nhà phân tích chính trị cùng cho rằng sự kiện này có thể thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực Trung Đông. Nhà phân tích chính trị Mohammad Abu Rumman tỏ ra rất lạc quan về tương lai của Ai Cập và cho rằng một giai đoạn mới đang chờ đợi cả thế giới Arập ở phía trước. Các nhà phân tích còn cho rằng, sự nổi dậy của người dân Ai Cập sẽ giúp các quốc gia Arập khác rút ra bài học sâu sắc.

Đúng như nhận định rằng "Ai Cập sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực", sau những diễn biến gần đây tại đất nước này, nhiều lãnh đạo các nước đã có những động thái nhất định để tránh rơi vào số phận tương tự như Tổng thống Mubarak. Tại Gioócđani, Thủ tướng Marouf Bakhit, đã cam kết tiếp tục cải cách chính trị theo đòi hỏi của người biểu tình. Quốc vương Baranh Hamad bin Isa Al Khakifa đã phát cho mỗi gia đình ở nước này gần 2.700 USD nhằm xoa dịu căng thẳng.

Tại Angiêri, khoảng 5.000 người biểu tình đã tập trung tại quảng trường 1/5 ở trung tâm thủ đô Angiê để đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức. Tuy nhiên, với số lượng áp đảo, 26.000 cảnh sát chống bạo động đã ngăn họ tuần hành trên khắp thủ đô. Theo các nhà tổ chức biểu tình, khoảng 400 người đã bị bắt giữ.

Trong khi đó, 20.000 người ở Yêmen cũng đồng loạt xuống đường để kêu gọi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Trước sức ép của những người biểu tình, Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh thông báo sẽ không tái tranh cử và không chuyển quyền lực cho con trai. Tuy nhiên, vẫn có hơn 5.000 người gồm cả sinh viên, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền đã tập trung bên ngoài trường Đại học Sanaa ở thủ đô Xana và tuần hành dọc các phố chính ở thủ đô.

Phản ứng trước những diễn biến tại Ai Cập và các nước lân cận, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng "Ai Cập sẽ thay đổi vĩnh viễn" và nhấn mạnh Mỹ tiếp tục là bạn, đối tác của Ai Cập. Ông Obama còn cam kết hỗ trợ tài chính trong khi Ai Cập tiến tới một cuộc bầu cử tự do, công bằng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu tôn trọng quyết định của ông Mubarak vì ông đã lắng nghe tiếng nói của người dân và mở đường cho một cuộc cải cách sâu rộng, nhanh chóng. Còn thế giới Arập kêu gọi Ai Cập thực hiện chuyển giao quyền lực hòa bình.

Nam Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN