Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 26/4, hàng nghìn thành viên thuộc các nhóm và phong trào đối lập phi Hồi giáo Ai Cập đã tuần hành tới Dinh tổng thống Ittihadiya đòi bãi bỏ luật biểu tình và phóng thích những người bị bắt giữ. Cuộc tuần hành này diễn ra theo lời kêu gọi của phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư" - lực lượng chính đứng sau làn sóng biểu tình rầm rộ lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào ngày 25/1/2011, đảng Xã hội Chủ nghĩa cách mạng và đảng Mặt trận Nhân dân Ai Cập. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong những tháng vừa qua đòi bãi bỏ luật biểu tình mới gây tranh cãi.
Người biểu tình hô khẩu hiệu và giương các biểu ngữ phản đối chính quyền quân sự và cảnh sát. Đám đông cũng gỡ các tấm áp phích ủng hộ cựu Tư lệnh quân đội Abdel-Fattah el-Sisi, người mới đây tuyên bố từ chức để ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/5 tới. Cảnh sát được triển khai dày đặc và lập hàng rào ngăn chặn người biểu tình tiến sát Dinh tổng thống. Trong khi đó, các nhà tổ chức cũng cố gắng tách đám đông biểu tình ra xa lực lượng an ninh nhằm ngăn chặn đụng độ bạo lực.
Người biểu tình ở Cairo, ngày 28/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Cựu ứng cử viên tổng thống Khaled Ali đã cáo buộc Chính quyền lâm thời sử dụng luật biểu tình mới để tống giam tất cả các nhà hoạt động cách mạng trong khi lại phóng thích các cựu quan chức chế độ cũ và những kẻ tham nhũng. Hiện tất cả thành viên của các phong trào thanh niên cách mạng đều đang bị giam giữ với cáo buộc có liên hệ với Anh em Hồi giáo (MB) - lực lượng bị chính quyền Ai Cập coi là "tổ chức khủng bố".
Mới đây, 3 thủ lĩnh của cuộc cách mạng ngày 25/1/2011 gồm Ahmed Douma, Ahmed Maher và Mohamed Adel đã bị tuyên phạt 3 năm tù và buộc phải nộp phạt 50.000 bảng Ai Cập (gần 7.150 USD) với tội danh vi phạm luật biểu tình vào tháng 12/2013. Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Hồi giáo bị lật đổ Mohamed Morsi bị bắt giữ do tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Ngày 17/4 vừa qua, 22 nhà hoạt động nhân quyền đã gửi thư cho Tổng thống lâm thời Adly Mansour đề nghị xem xét lại luật biểu tình nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng là tự do ngôn luận và quyền biểu tình ôn hòa.
Trong một diễn biến khác, ngày 26/4, Tòa án Hình sự tỉnh Minya ở miền Nam Ai Cập đã tuyên phạt 11 thành viên MB các mức án từ 57-88 năm tù tới tội danh tấn công một đồn cảnh sát trong làn sóng bạo loạn nổ ra vào giữa tháng 8/2013 sau khi lực lượng an ninh dùng vũ lực giải tán 2 khu lán trại của những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi tại Cairo và tỉnh Giza (Gi-da) kế bên.
Tòa án trên cũng tuyên phạt 2 người 5 năm tù với tội danh tham gia biểu tình bất hợp pháp và tham gia MB. Trong khi đó, 4 thành viên MB khác có chung cáo buộc lại được tuyên trắng án. Trong một phiên xét xử khác, một thành viên MB đã bị tuyên án vắng mặt với mức án 18 năm tù và khoản tiền phạt lên đến 200.000 bảng Ai Cập (gần 28.600 USD) với tội danh kích động biểu tình.
Điều đáng chú ý là thẩm phán chủ tọa các phiên xét xử nói trên từng tuyên phạt tử hình đồng loạt đối với 529 thành viên MB với tội danh giết người trong phiên tòa tổ chức ngày 24/3 vừa qua.
TTXVN/Tin tức