Ai đưa tin vụ lộ bí mật lớn nhất nước Mỹ?

Ngày 6/6/2013, nước Mỹ chấn động khi chương trình giám sát Internet tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị phơi bày trên mặt báo. Vụ việc khiến các quan chức tình báo và chính quyền Mỹ lao đao và đang dồn sức xử lý hậu quả. Ngày 9/6, Edward Snowden, cựu nhân viên NSA, đã trở thành tâm điểm của dư luận khi tuyên bố mình chính là người tiết lộ thông tin cho báo chí. Cùng với Snowden, có một người nữa cũng nổi tiếng không kém, đó chính là nhà báo Glenn Greenwald của tờ The Guardian (Anh) - người được Snowden chọn để cung cấp thông tin.

Nhà báo Greenwald.


Từ luật sư thành nhà báo


Vốn là một nhà báo nổi tiếng của The Guardian tại Mỹ, Greenwald càng nổi tiếng hơn với tư cách là tác giả bài viết về vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất nước Mỹ. Ông đã được hàng chục mạng thông tin phỏng vấn về bài báo mới nhất của mình. Khi tìm hiểu về con người và sự nghiệp của Greenwald, người ta mới biết ông là “sự lựa chọn hoàn hảo” của Snowden.

Greenwald chạm mặt báo chí trong khách sạn ở Hồng Công.


Sau khi tốt nghiệp khoa luật trường Đại học New York (Mỹ) và làm luật sư hơn 10 năm, Greenwald quyết định từ bỏ công ty mình đồng sáng lập để rẽ ngang sang một hướng khác, theo đuổi sự nghiệp viết báo.


Năm 2006, ông khai trương blog cá nhân mang tên Unclaimed Territory (tạm dịch: Vùng đất vô thừa nhận), dùng để thảo luận các vấn đề như chương trình giám sát không phép của NSA, vụ bế bối Scooter Libby và một vụ rò rỉ khác của CIA về điệp viên mật Valerie Plame. Ông coi chính sách giám sát không phép là vi phạm Hiến pháp sửa đổi lần thứ 4 của Mỹ.


Khi ông “cáu tiết” trước sự lạm dụng quyền lực của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, Greenwald đã viết cuốn “How would a patriot act?” (Người yêu nước sẽ hành động thế nào?) - một trong số những cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Ông còn viết cuốn “A tragic legacy” (Di sản bi kịch) nói về nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush, trong đó chủ yếu chỉ trích những chính sách dưới thời kỳ Bush. Cuốn sách mới nhất mang tên “With liberty and justice for some” (Tự do và công lý chỉ dành cho vài người) là một bản cáo trạng lên án hệ thống pháp lý hai tầng của chính quyền Mỹ.


Là cây bút lẫy lừng viết về việc bảo vệ tự do dân sự của người Mỹ kể cùng với kinh nghiệm dày dặn của một cựu luật sư, Greenwald đã được Snowden “chọn mặt gửi vàng”. Vốn là một người phản đối công khai sự lạm quyền của chính quyền Mỹ, Snowden như “gãi đúng chỗ ngứa” của Greenwald. Trong quá trình theo đuổi vụ tiết lộ thông tin của Snowden, ông thấy mình như là người trong cuộc của câu chuyện. Cho đến nay, Greenwald chưa bao giờ chùn bước trước những chỉ trích. Ông nhận lời phỏng vấn của bất kỳ tờ báo nào.


Đối mặt với hiểm nguy


Greenwald nhớ lại hành trình trước khi thông tin chấn động lên mặt báo. Đó là giữa tháng 2, ông nhận được bức thư điện tử của Snowden ngỏ ý muốn cung cấp thông tin mật cho ông. Snowden muốn tạo một cách thức nhận và gửi thư điện tử mật mã, thậm chí còn dựng hẳn một video đăng trên YouTube để hướng dẫn Greenwald từng bước làm thư mật mã. Do không biết danh tính người muốn tiết lộ tin mật và không chắc những thông tin này đúng, Greenwald đã không hành động.

Edward Snowden


Mãi đến tháng 3, Greenwald nhận được một cuộc gọi của nhà báo tự do kiêm nhà làm phim tài liệu Laura Poitras - người đã được Snowden liên lạc từ tháng 1. Nhà báo Poitras thuyết phục ông quan tâm đến thông tin của Snowden. Từ đó, Greenwald và Snowden thiết lập một hệ thống liên lạc mật, qua đó ông nhận được những tài liệu đầu tiên từ Snowden về chương trình mật PRISM của NSA - chương trình đã kết nối vào máy chủ của 9 tập đoàn Internet khổng lồ để thu thập dữ liệu của người dùng.

Glenn Greenwald (sinh ngày 6/3/1967 ở New York) là nhà báo đứng trang về các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ và tự do dân sự của tờ The Guardian. Ông đứng trang cho tờ The Guardian phiên bản tại Mỹ từ tháng 8/2012. Trước đó, ông viết cho trang Salon.com và viết bài cộng tác với The Guardian. Greenwald nhận giải Izzy dành cho báo chí độc lập năm 2009 và giải Bình luận xuất sắc nhất của giải thưởng báo chí điện tử (Online Journalism Award) năm 2010. Ông là diễn giả quen thuộc của nhiều trường đại học như trường luật Havard, trường luật Yale, trường Đại học Pennsylvania, Đại học Brown, trường luật UCLA… Ông cũng xuất hiện trên nhiều chương trình phát thanh truyền hình với tư cách là nhà phê bình chính trị. Ông nằm trong danh sách 25 nhà báo chuyên trang hàng đầu ở Mỹ. Tháng 6/2012, tạp chí Newsweek chọn ông là một trong 10 nhà bình luận hàng đầu của Mỹ với những bài viết “sắc bén, có kiểm soát và thẳng thắn”.


Sống ở Braxin nhưng Greenwald đã bay đến New York ngày 31/5 để nói chuyện với lãnh đạo tờ The Guardian. Ngay ngày hôm sau, ông và nhà báo Poitras đã có mặt ở Hồng Công. Cả hai thậm chí còn chưa biết mặt Snowden.


Greenwald kể lại: “Snowden đã có kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc gặp”. Theo chỉ dẫn của Snowden, Greenwald cùng đồng nghiệp đến một địa điểm cụ thể trên tầng 3 khách sạn Mira và hỏi to lối đến nhà hàng. Ông đoán rằng Snowden đang nấp ở đằng sau và lắng nghe ông. Ông cùng Poitras bước vào một căn phòng có một con cá sấu giả to và lúc này Snowden mới lộ mặt. Ông biết đó là Snowden vì anh có dặn rằng anh sẽ cầm một khối rubic.


Thế nhưng cả ông lẫn đồng nghiệp đều sốc khi lần đầu nhìn thấy anh chàng 29 tuổi này. Greenwald kể: “Tôi nghĩ sẽ gặp một ông già tóc hoa râm chừng 60 tuổi, một người có cấp bậc cao trong ngành tình báo. Tôi nghĩ chuyến đi này sẽ uổng phí mất thôi”.


Cuộc phỏng vấn diễn ra trong phòng khách sạn của Snowden, căn phòng nhìn ra công viên Kowloon. Sau 1 giờ nói chuyện, Greenwald đã tin Snowden hoàn toàn. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có trong tay nhiều thứ quan trọng.


Sau cuộc phỏng vấn 5 ngày, ngày 6/6, tin động trời đã được Greenwald đưa lên tờ The Guardian. Về phần mình, Poitras đã liên lạc với phóng viên điều tra Barton Gellman của tờ The Washington Post của Mỹ và phóng viên này đã đưa thông tin lên báo cùng ngày. Bài viết đã gây nên một cơn chấn động không chỉ trong lòng nước Mỹ.


Ngày 9/6, theo yêu cầu của Snowden, Greenwald đã đăng đoạn video mà Poitras quay cuộc phỏng vấn giữa ông và Snowden lên trang web tờ The Guardian.


Trong khi liên lạc qua thư điện tử với Snowden, Greenwald đã được anh cảnh báo rằng tính mạng của ông có thể bị nguy hiểm nếu bị phát hiện. Tuy vậy, Greenwald vẫm theo sát nhân vật và câu chuyện của mình. Sau khi bài báo và nhân vật của Greenwald gây chấn động thế giới, ông thậm chí đã bị nghị sĩ Mỹ Pete King kêu gọi truy tố với cáo buộc Greenwald định tiết lộ tên các điệp viên và cơ sở của CIA trên toàn thế giới. Nghị sĩ này cho rằng không có quyền nào là tuyệt đối và ngay cả báo chí cũng có những giới hạn nhất định.


Tuy nhiên, trên trang Twitter, Greenwald đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này, cho biết ông và nguồn tin của mình không muốn làm tổn hại nước Mỹ, chỉ muốn tạo ra một cuộc tranh luận và thông báo cho công chúng biết. Greenwald cũng đã nói chuyện với các luật sư trong trường hợp cần đại diện pháp lý. Trong bối cảnh Mỹ truy tố gắt gao những người làm lộ tin mật, Greenwald cho rằng có khả năng ông cũng sẽ rơi vào trường hợp này dù luôn tin rằng: “Nhà báo có quyền đưa tin về những gì chính phủ đang làm”. Với ông, lời đe dọa truy tố sẽ chỉ khuyến khích ông tiếp tục “thực hiện quyền cơ bản của tôi theo bất kỳ cách nào”.

 

Thùy Dương

Snowden quyết lộ thêm tin mật dù có chết
Snowden quyết lộ thêm tin mật dù có chết

Edward Snowden, người tiết lộ thông tin tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, đã cảnh báo rằng sự thật về quy mô giám sát Internet của chính quyền Mỹ sẽ được tiết lộ, cho dù anh có bị bắt hay chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN