Ông Ri Son Gwon phát biểu trên kênh truyền hình KCT hôm 3/1. Ảnh: Yonhap |
Ngày 3/1, ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên, đã thay mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thông báo với phía Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng sẽ mở lại kênh liên lạc tại làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan tới mối quan hệ liên Triều.
Động thái này của Triều Tiên nhằm đáp lại đề xuất do Hàn Quốc đưa ra về việc tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước. Trước đó, đường dây nóng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã bị đình trệ từ năm 2016 và Bình Nhưỡng đã không trả lời bất kỳ cuộc điện thoại nào của Seoul từ đó đến nay trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng nhiệt.
“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo mở lại kênh liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc tại Panmunjom từ 15h ngày 3/1, do vậy các vấn đề liên quan tới việc tổ chức hội đàm, bao gồm cả việc cử phái đoàn Triều Tiên dự Thế vận hội PyeongChang, sẽ được trao đổi kịp thời với Hàn Quốc thông qua kênh liên lạc này”, ông Ri phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KCT.
Là một trong những nhà đàm phán hàng đầu của chính quyền Triều Tiên, ông Ri Son Gwon hiện giữ quân hàm đại tá cấp cao. Ông từng đại diện cho Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán với Hàn Quốc dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo Hyun và khi căng thẳng hai nước leo thang trong những năm sau đó. Kể từ năm 2004, ông Ri đã được nhìn thấy xuất hiện trong 27 cuộc hội đàm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên từ năm 2011, ông Ri được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách phòng chính sách của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. Tuy nhiên, Ủy ban này sau đó bị giải thể và được thay thế bằng Ủy ban Các vấn đề đối ngoại nhà nước, hiện do ông Kim Jong-un lãnh đạo.
Người nóng nảy
Người dân Hàn Quốc nghe thông báo từ Triều Tiên trên truyền hình hôm 3/1 tại thủ đô Seoul. Ảnh: AP |
Ông Ri Son Gwon được xem là “cánh tay phải” của ông Kim Yong Chul - một quan chức quân đội cấp cao của Triều Tiên. Ông Kim Yong Chul từng bị nghi ngờ là nhân vật đứng sau vụ chìm tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc năm 2010 và vụ đánh bom nhằm vào một đảo của Hàn Quốc ở gần đường biên giới trên biển của hai nước. Là cựu giám đốc Cục Trinh sát Triều Tiên, ông Kim Yong Chul nằm trong danh sách những công dân Triều Tiên bị chính quyền Hàn Quốc trừng phạt.
Các tin tức xuất hiện trên truyền thông thường mô tả ông Ri Son Gwon là một người cực kỳ nóng nảy trong các cuộc hội đàm liên Triều. Trong 10 phút đầu tiên của cuộc gặp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào tháng 2/2011, ông Ri được cho là đã hét lên rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không liên quan tới vụ tàu chiến Cheonan” trước khi lao ra khỏi phòng họp.
Trong một cuộc hội đàm quân sự khác hồi năm 2010, ông Ri cũng thẳng thừng bác bỏ cáo buộc Triều Tiên có dính líu tới vụ chìm tàu Cheonan. Ông thậm chí còn “tố ngược” phía Hàn Quốc đã thêu dệt kết quả điều tra.
Ông Ri cũng là thành viên của Ủy ban Ngoại giao Quốc hội - một cơ quan đối ngoại của Triều Tiên được mở lại hồi tháng 4/2017 sau 19 năm dừng hoạt động.
Theo thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên đã đồng ý tham gia cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 9/1 tới. Nếu ông Ri Son Gwon được chọn làm đại diện cho phía Triều Tiên tham gia cuộc hội đàm này, đối tác của ông bên phía Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ là Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung Gyon.
Giới phân tích nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc hẳn đã cân nhắc vị trí của ông Ri Son Gwon trước khi chỉ định ông làm người thay mặt chính phủ Triều Tiên đưa ra thông báo quan trọng với Hàn Quốc hôm 3/1.
“Triều Tiên không có Bộ Thống nhất (như Hàn Quốc), tuy nhiên ủy ban do ông Ri lãnh đạo cũng có thể được xem như cơ quan ngang cấp với Bộ Thống nhất nếu xét về vai trò và mức độ tương đồng. Đó là lý do ông Kim Jong-un cho ông Ri làm người đưa ra thông điệp”, Koh Yu Hwan, giáo sư tại Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul nói với Korea Herald.