Nhà máy Vital Care 100% vốn đầu tư nội địa được xây dựng ở Baba Ali (phía Tây thủ đô Algiers), trên cơ sở hợp tác với các công ty của Canada và Jordan. Theo thiết kế ban đầu, nhà máy có công suất khoảng 200.000 bộ dụng cụ/tuần. Đây là nhà máy sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở khu vực Maghreb (gồm các nước Maroc, Algeria, Tunisia và Libya) và thứ 2 ở châu Phi (sau Nam Phi). Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại trung tâm bệnh viện của Đại học Beni Messous - Algiers.
Việc sản xuất được bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 sẽ giúp Algeria từng bước chủ động các loại thiết bị y tế cần thiết để đối phó với dịch bệnh, tăng hiệu quả phát hiện người nhiễm bệnh cũng như giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm công ty, doanh nghiệp của nước này đã sản xuất được khẩu trang và gel sát khuẩn.
Hiện quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận 5.891 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 507 người đã tử vong. Số người được điều trị khỏi bệnh là 2.841 người. Algeria là quốc gia đứng thứ 4 ở châu Phi về số trường hợp mắc COVID-19, nhưng là quốc gia có số ca tử vong vì dịch bệnh này nhiều nhất châu lục. Chính phủ nước này đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, gần như toàn bộ các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đồng thời đình chỉ các dịch vụ giao thông công cộng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, Chính phủ Iraq đang cân nhắc áp đặt trở lại lệnh giới nghiêm trong bối cảnh ngày 11/5 nước này xác nhận thêm 51 trường hợp mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.818 trường hợp, trong đó 110 người đã tử vong.
Ngày 11/5, Bộ trưởng Y tế Iraq Hassan Mohammed al-Tamimi cảnh báo khả năng nước này sẽ áp đặt trở lại lệnh giới nghiêm toàn quốc, trong bối cảnh tiếp tục gia tăng tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng do cư dân tại nhiều khu vực không tuân thủ những quy định giới nghiêm hiện nay.
Trước đó, ngày 10/5, Ủy ban về Sức khỏe và An toàn quốc gia Iraq - đứng đầu là Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi - đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều trong những ngày sắp tới. Lệnh giới nghiêm hoàn toàn vẫn áp dụng vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy và cả 3 ngày lễ Eid al-Adha (Lễ Hiến sinh) của người Hồi giáo, dự kiến bắt đầu từ ngày 23 hoặc 24/5 tới.
Tại Guinea-Bissau, Tổng thống Umaro Sissoco Embalo đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc cho đến ngày 26/5 tới.
Trong một tuyên bố ngày 11/5, Tổng thống Embalo nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra sau khi giới chức quốc gia Tây Phi này phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và nhận thấy rằng số bệnh nhân COVID-19 hiện đang rất lớn và "tăng từng ngày", tốc độ lây lan virus nhanh và khó lường.
Tổng thống Embalo kêu gọi các cơ quan y tế hoạch định các kế hoạch hiệu quả để hạn chế sự lây lan của virus trong cộng đồng, cũng như tăng cường các biện pháp tại chỗ nếu cần. Ông cũng khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng và khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được gia hạn bắt đầu từ 0 giờ ngày thứ 13/5, trong khi khung thời gian giới nghiêm từ 5h chiều hôm trước tới 6h sáng hôm sau sẽ được duy trì và người dân chỉ được phép rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 2h chiều để đi mua sắm.
Trước đó, để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Chính phủ Guinea-Bissau đã ra lệnh đóng cửa biên giới, các nhà hàng, quán bar, các địa điểm tôn giáo và trường học, cũng như cấm mọi hoạt động tụ tập đông người.
Hiện Guinea-Bissau đã ghi nhận 726 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 26 trường hợp được chữa khỏi và 3 trường hợp tử vong.