Ông Henry Dryer ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn. Ông không nói gì và hiếm khi cử động cho đến khi người chăm sóc chụp chiếc tai nghe lên đầu ông.
Một hình ảnh trong bộ phim Alive Inside. Ảnh: Internet |
Thế rồi, như có phép lạ, ông Dryer bắt đầu nhịp chân theo nhạc, cánh tay ông đưa đi đưa lại và ông hát thành lời những bài hát ông yêu thích bằng một chất giọng dễ nghe.
Ông Dryer, 92 tuổi, bị mắc chứng mất trí nhớ, tâm sự: “Tôi cảm thấy tình yêu và giấc mơ. Âm nhạc mang lại cho tôi cảm giác yêu thương, lãng mạn”.
Ông Dryer chỉ là một trong 7 bệnh nhân Alzheimer được ghi hình trong bộ phim tài liệu “Alive Inside” (tạm dịch: Hồi sinh từ bên trong), một bộ phim cảm động về sức mạnh của âm nhạc với những người sống trong nhà dưỡng lão.
Đạo diễn bộ phim Michael Rossato-Bennett nói với hãng ABC News: “Có 1,5 triệu người sống trong các nhà dưỡng lão ở Mỹ. Khi chứng kiến những gì xảy ra với cụ Dryer, bất kỳ khi nào bạn nhìn thấy một con người chợt tỉnh giấc như thế, bạn sẽ cảm động từ tận sâu thẳm bên trong con người bạn”.
Alzheimer là một dạng phổ biến nhất của chứng mất trí, ảnh hưởng tới 5,4 triệu người Mỹ. Căn bệnh cướp đi trí nhớ, ký ức của bệnh nhân và làm tê liệt các chức năng thông thường của não, khiến phần lớn bệnh nhân phải sống những năm tháng còn lại trong nhà dưỡng lão.
Ông Rossato-Bennett cho biết, ông thực hiện bộ phim tài liệu này để quảng bá cho tổ chức phi lợi nhuận Musis & Memory (Âm nhạc và Ký ức) – một tổ chức cung cấp máy nghe nhạc iPod cho bệnh nhân mất trí nhớ ở các nhà dưỡng lão. Mỗi máy iPod đều có sẵn những bài hát yêu thích của từng bệnh nhân.
Ông Dan Cohen, giám đốc điều hành Music & Memory, nói: “Khi tôi phải vào nhà dưỡng lão, tôi sẽ muốn mang theo âm nhạc cùng với mình. Nhà dưỡng lão chẳng có nhiều thứ phục vụ các hoạt động cá nhân. Âm nhạc là thứ dễ nhất mang lại hiệu quả to lớn”.
Ông Cohen cho biết, tâm hồn các bệnh nhân như được thắp sáng khi nghe danh mục những bài hát mà họ yêu thích. Những bài hát này do người thân của họ chọn. Ông nhận xét: “Họ linh hoạt hơn, chú ý hơn, hợp tác hơn và cảm thấy hào hứng hơn. Thậm chí họ không còn nhận ra người thân và họ không nói chuyện nữa, nhưng khi nghe nhạc, họ như được sống lại”.
Con gái ông Dryer, bà Cheryl, kể rằng cha bà bị tai biến và phải vào nhà dưỡng lão cách đây 10 năm. Trước đây, lúc nào ông cũng yêu nhạc, lúc nào ông cũng hát, nhún nhảy. Bà kể: “Ông thường đi bộ với chị em tôi dọc phố và ông sẵn sàng dừng lại, hát trong mưa. Ông thậm chí còn nhảy nhót và đu quanh cột”.
Tiến sĩ Oliver Sacks, một nhà thần kinh học được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu, cho rằng âm nhạc có tác dụng lớn lao với những người bị mắc chứng mất trí nhớ như ông Dryer. Nó có thể làm một bệnh nhân đang vô hồn vô cảm chợt bừng tỉnh.
Bà Geri Hall, một chuyên gia tại viện Alzheimer Banner ở thành phố Phoenix, cho rằng âm nhạc kích hoạt một phần bộ não vẫn hoạt động của bệnh nhân mất trí nhớ. Bà nói âm nhạc có thể giúp bệnh nhân mất trí nhớ có cảm giác như ở nhà. Nó xoa dịu họ, giúp họ hòa nhập hơn và họ không cần phải uống nhiều thuốc kiềm chế cảm xúc nữa.
Tuy nhiên, một chiếc iPod cho mỗi bệnh nhân ở nhà dưỡng lão không phải là một điều dễ dàng. Tổ chức từ thiện Music & Memory đã kêu gọi mọi người đóng góp cả iPod mới và cũ rồi phân phát tại các nhà dưỡng lão. Ông Cohen hi vọng bộ phim Alive Inside sẽ khuyến khích mọi người coi âm nhạc là một bước khởi đầu đơn giản để tăng cường chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ. Ông bày tỏ mong muốn: “Tôi muốn giúp tạo ra một môi trường như ở nhà tại các nhà dưỡng lão”.
Bộ phim Alive Inside sẽ ra mắt lần đầu ngày 18/4 tới tại bảo tàng Rubin ở thành phố New York.
Thùy Dương