Theo hãng tin Reuters (Anh), quyết định này lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến kéo dài 2 năm giữa Amazon và các nhà hoạt động tự do dân sự, những người đã lên tiếng lo ngại rằng việc nhận diện không chính xác có thể dẫn đến các vụ bắt giữ bất công.
Cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu đã chết dưới đầu gối của một sĩ quan cảnh sát da trắng vào tháng trước, đã thổi bùng lo ngại cho rằng nhận diện khuôn mặt sẽ được sử dụng không công bằng chống lại những người biểu tình.
Các nhà phê bình đã chỉ ra một nghiên cứu gây tranh cãi trước đây cho thấy dịch vụ “Rekognition” của Amazon khá chật vật trong việc xác định giới tính của những người có làn da sẫm màu hơn. Chính điều này làm dấy lên mối lo ngại sẽ có nhiều vụ bắt giữ bất công nếu các cơ quan hành pháp sử dụng công nghệ này để xác định nghi phạm.
Người dân cũng lo ngại về cách triển khai công nghệ nhận diện bí mật và không có sự đóng góp ý kiến từ cộng đồng. Họ sợ phần mềm uy lực này có thể được cơ quan thực thi pháp luật dùng để theo dõi bất kỳ ai họ thấy khả nghi mà không có bằng chứng hợp lý rằng họ đã phạm tội.
Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã thắt chặt các quy định để đảm bảo phần mềm được sử dụng “một cách đạo đức nhất”. Amazon cũng khẳng định tất cả những người dùng dịch vụ nhận diện khuôn mặt Rekognition của công ty đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Chúng tôi hy vọng lệnh cấm một năm này có thể giúp quốc hội có thêm thời gian để đưa ra các quy định phù hợp trong việc sử dụng công nghệ này. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nếu được yêu cầu”, công ty công nghệ Amazon cho biết.
Quốc hội Mỹ đã cân nhắc đưa ra quy định về sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong nhiều tháng. Hôm 8/6, Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đã tuyên bố họ không còn cung cấp dịch vụ nhận diện khuôn mặt nói chung, trong khi đối thủ Microsoft Corp đã từ chối cung cấp dịch vụ cho một số doanh nghiệp và ủng hộ quy định nhưng họ không ngừng hoạt động.
Nicole Ozer, Giám đốc Công nghệ và Tự do dân sự của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ tại Bắc California, cho rằng cần đưa ra một lệnh cấm chung với công nghệ này. “Công nghệ nhận diện khuôn mặt cung cấp cho các nhà chức trách quyền lực chưa từng có để theo dõi chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi Microsoft và các công ty khác cùng tham gia lệnh cấm này, như IBM, Google, và Amazon để bảo vệ công lý”, Ozer nói.
Phát ngôn viên của Microsoft đã không phản hồi yêu cầu này.
Amazon đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì tiếp thị công nghệ nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát. Tuy nhiên, theo trang tin The Information, doanh thu mà dịch vụ nhận diện “Rekognition” mang lại chiếm khoảng 3 triệu USD trong tổng doanh thu 25,7 tỷ USD của Amazon tại Mỹ năm 2018. Amazon cho biết họ sẽ tiếp tục cho phép các khách hàng sử dụng công nghệ mà các nhà thực thi pháp luật tìm thấy nạn nhân buôn người.