Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, các học giả đến từ ASEAN đều nhìn nhận Ấn Độ là một người bạn tốt và đối tác gần gũi. Các bên cần tiếp tục làm việc để củng cố mối quan hệ song phương và cần tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ nhân dân. Tiến sĩ Faisal Ahmed Trường Quản lý FORE đánh giá ASEAN là khu vực tiến bộ về kinh tế, sôi động về văn hóa và có ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN có chung mối quan hệ văn minh và văn hóa mạnh mẽ. Trong năm 2018-19, thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 97 tỷ USD, thương mại dịch vụ đạt 45 tỷ USD.
Tiến sĩ Mahjabin Banu, Chủ tịch SPRE, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi nhấn mạnh Việt Nam có danh tiếng về tổ chức các đối thoại toàn cầu và khu vực. Với cam kết lâu dài về hội nhập ASEAN, năm 1998 Việt Nam đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN và kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên. Việt Nam đã đưa ra Kế hoạch hành động Hà Nội kêu gọi hợp tác kinh tế vĩ mô và tài chính, làm hài hòa các thủ tục hải quan và tự do hóa thương mại.
Tại hội thảo, các học giả cũng đánh giá cao thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay. Việc Việt Nam kiểm soát được số bệnh nhân ít, không có người tử vong và sớm đưa các hoạt động trở lại bình thường gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan, Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định Việt Nam đã đóng góp rất có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hiện nay Việt Nam không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chống dịch mà còn ủng hộ, hỗ trợ nhiều nước trang thiết bị y tế, trong đó có Ấn Độ và một số quốc gia ASEAN.
Về quan hệ Việt - Ấn, PGS Toan cho rằng cần nghiên cứu kỹ các truyền thống văn hóa đã định hình mối quan hệ hai nước trong những năm qua. Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử quan hệ, giao lưu văn hóa lâu đời, được vun đắp bởi các nhà lãnh đạo hai nước. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 198 quốc gia trên thế giới nhưng chỉ có 3 đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có Ấn Độ.