Theo tờ India Today, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết thủ đô Delhi đã ghi nhận nhiệt độ ban ngày vào ngày 18/6 lên tới 51 độ C. Nhiệt độ tối đa trung bình duy trì ở mức khoảng 45 độ C, cao hơn 6 độ C so với nhiệt độ bình thường trong tháng 6. Mức nhiệt ban ngày đặc biệt cao khiến không khí ban đêm vẫn oi bức, ngột ngạt, đẩy người dân vào tình cảnh bức bối khó chịu liên tục trong thời gian dài.
Ngoài Delhi, mức nhiệt tăng vọt trên 46 độ C còn được ghi nhận trên khắp miền Bắc, bao gồm cả ở Uttarakhand, Bihar và Jharkhand. Tại Bihar, 22 người đã chết do nắng nóng và độ ẩm khắc nghiệt trong 24 giờ.
Đợt nắng nóng dữ dội đã khiến IMD phải đưa ra cảnh báo đỏ cho những khu vực trên, mức cảnh báo nhiệt độ cao nhất gây ra rủi ro cho sức khoẻ con người.
“Tôi đã sống tại Delhi cả một đời, trải qua nhiều mùa hè, nhưng năm nay, 15 phút đi bộ ngoài đường thực sự là ám ảnh. Đã 10 giờ tối nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn là 41 độ C, trong khi nắng nóng cả ngày”, một người dân cao tuổi chia sẻ.
Trong khi đó, một tài khoản mạng xã hộ X có tên Lukewarm chi biết vào thời điểm 6h30 sáng, mặc dù đã trải qua một đêm song nước máy nhà cô vẫn còn nóng bỏng.
“Ngay cả điều hoà cũng không hiệu quả, tủ lạnh thì không mát được. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm tôi chứng kiến đợt nóng khủng khiếp như vậy ở Delhi”, Lukewarm viết.
Nhiều người dân cũng than phiền về việc bật điều hoà cũng như không, khi nhiệt độ bên ngoài vẫn là 45 độ vào 9 giờ tối.
Trước nắng nóng cực điểm, nhu cầu điện cao điểm của Delhi vào chiều 18/6 đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay của thành phố. Theo các quan chức, tải làm mát do việc sử dụng điều hòa không khí và các thiết bị làm mát khác tăng lên trong bối cảnh nắng nóng không ngừng đã khiến nhu cầu điện tăng kỷ lục.
Nhiệt độ cực hạn không chỉ gây khó chịu mà còn gây lo ngại về sức khỏe của người dân và đẩy cơ sở hạ tầng y tế của thành phố đến bờ vực sụp đổ.
Các bệnh viện ở Delhi tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân gặp các triệu chứng đột quỵ do sốc nhiệt và kiệt sức khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao. Các bác sĩ khuyến cáo người già, trẻ em và bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch tránh ra ngoài trong thời điểm nắng nóng. Các quan chức IMD cho biết nhiệt độ trung bình tăng cao và nhiệt độ ban đêm không hạ làm trầm trọng thêm tác động của đợt nắng nóng chết người này.
Nhiệt độ cao vào ban đêm được đánh giá là một trong những tác nhân nguy hiểm đối với tính mạng con người vì cơ thể không có cơ hội giảm nhiệt. Nhiệt độ ban đêm tăng phổ biến ở các thành phố do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, trong đó các khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với khu vực xung quanh.
“Thật sự rất đáng quan ngại. Nhiệt độ ban đêm ở các thành phố không giảm. Mọi người không có cơ hội phục hồi, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiều ca tử vong vào ban đêm hơn ban ngày, bởi vì thông thường nhiệt độ tối thiểu sẽ giảm và bạn sẽ có thể hồi phục để quay lại làm việc vào ngày hôm sau. Hiện tại chúng ta không thể làm được điều đó”, nhà bảo vệ môi trường Sunita Narain nhận định với hãng thông tấn PTI.