Theo thông báo của Bộ Y tế, sau khi kiểm tra cẩn thận, DCGI ngày 12/5 đã chấp thuận khuyến nghị của một ủy ban chuyên gia về vaccine và cho phép hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ thực hiện giai đoạn 2 và 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine Covaxin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi. Bộ này cho biết các giai đoạn thử nghiệm này sẽ được thực hiện đối với 525 tình nguyện viên. Covaxin là loại vaccine gồm 2 mũi tiêm, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên 28 ngày.
Các phương tiện truyền thông cho biết Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19. Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 23.703.665 ca nhiễm, trong đó 258.351 ca tử vong.
* Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, người được giao phụ trách chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã đổ lỗi cho hệ thống quản lý dược phẩm quá cứng nhắc khiến chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp. Hiện Nhật Bản mới chỉ cấp phép lưu hành một loại vaccine ngừa COVID-19 duy nhất là của hãng Pfizer/BioNTech.
Bộ trưởng Kono đã nhận trách nhiệm về việc người dân thất vọng về chương trình tiêm chủng vaccine của Nhật Bản nhưng cũng cho rằng quá trình phê duyệt vaccine là một bất lợi trong trường hợp khẩn cấp. Dù đang trong tình trạng khủng hoảng nhưng Nhật Bản vẫn áp dụng quy định phê duyệt vaccine như trước đây. Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 4 gây quan ngại trong khi Nhật Bản đang chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và Paralympic vào mùa hè này, ông Kono kêu gọi cần có sự thay đổi trong quy trình phê duyệt vaccine.
Hiện Bộ Y tế, Cơ quan Quản lý dược phẩm và Thiết bị y tế Nhật Bản chưa phản ứng gì trước bình luận trên của Bộ trưởng Kono.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 36 triệu người trên 65 tuổi vào cuối tháng 7 tới, thời điểm bắt đầu diễn ra Olympic Tokyo. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ hy vọng mỗi ngày tiêm chủng được khoảng 1 triệu mũi tiêm, nhanh hơn tốc độ hiện tại khoảng 3 lần.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do công ty tư vấn toàn cầu Kekst CNC công bố ngày 12/5, khoảng 75% người dân Nhật Bản không hài lòng với chương trình tiêm chủng của nước này. Tỷ lệ người dân ủng hộ cách xử lý dịch bệnh của chính phủ Nhật Bản hiện ở mức thấp nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
* Theo kết quả cuộc khảo sát do một cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ Nam Phi công bố ngày 12/5, hơn 71% người dân nước này sẵn sàng tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, cuộc khảo sát tiến hành từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 3 năm nay với hơn 5.600 người tham gia cho thấy tỷ lệ người dân đồng ý tiêm vaccine ở Nam Phi cao hơn so với Mỹ và Pháp, nhưng lại thấp hơn so với Trung Quốc, Brazil, Anh và một số quốc gia khác.
Các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất, trong đó có những người mắc bệnh mãn tính như HIV/AIDS, lao, các bệnh liên quan đến tim, phổi và người trên 60 tuổi, có tỷ lệ sẵn sàng tiêm vaccine cao hơn mặt bằng dân số nói chung. Đối với 29% người được hỏi từ chối tiêm vaccine, lý do chính là lo ngại về các tác dụng phụ, không tin tưởng vào hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa COVID-19, hoặc thậm chí là không tin tưởng vào vaccine nói chung.
Chính phủ Nam Phi dự kiến tiến hành tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 17/5 tới.