Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết vaccine do công ty công nghệ sinh học Gennova phát triển và thu được kết quả an toàn, hiệu quả trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.
Ấn Độ đã thông qua việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine COVID-19 tự phát triển trong nước bởi công ty Bharat Biotech và Zydus Cadila. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa có vaccine công nghệ mRNA nào trong chương trình tiêm chủng của nước này. Hiện New Delhi đang lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể bùng phát.
Gennova dự kiến tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai tại 10-15 địa điểm và giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại 22-27 địa điểm ở Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã xác nhận thông tin này vào ngày 24/8.
Gennova đã thử nghiệm vaccine từ tháng 12/2020 và được hỗ trợ vốn bởi Cục Công nghệ Sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ.
Nhà phân tích Prashant Khadayate tại GlobalData đánh giá: “Vẫn còn quá sớm để vui mừng về loại vaccine này bởi nó mới ở giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn thiện. Đến thời điểm vaccine này được đưa vào thị trường thì Ấn Độ đã tiêm đủ vaccine cho phần lớn dân số”.
Tuy nhiên, theo ông Khadayate, việc phát triển và điều chế được vaccine công nghệ mRNA sẽ giúp Ấn Độ “thể hiện sáng tạo khoa học ở tầm cỡ quốc tế”.
Hiện tại hai hãng dược Mỹ là Moderna và Pfizer đang sản xuất vaccine COVID-19 công nghệ mRNA. Ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Đây cũng là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong khi đó những vaccine COVID-19 khác mới chỉ được thông qua sử dụng khẩn cấp.