Theo đó, New Dehli sẽ yêu cầu các quốc gia giàu hơn phải thanh toán các chi phí cho việc hạn chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất.
Bộ trưởng Yadav cho biết một trong những vấn đề quan trọng nhất tại hội nghị lần này sẽ là tài chính cho các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Yadav lưu ý các nước nghèo đang quan ngại về việc các quốc gia giàu hơn không thực hiện được những cam kết đã đưa ra tại các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết tài trợ hàng trăm tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ tài chính và phát triển công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Ấn Độ nằm trong số các quốc gia vẫn chưa đệ trình các kế hoạch mới nhằm đưa mức phát thải ròng về 0. Theo nước này, việc kiểm soát khí thải carbon nên là ưu tiên của Hội nghị COP26 sắp tới và cần phải được coi trọng hơn việc đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0.
Từ lâu Ấn Độ đã nhấn mạnh các quốc gia được hưởng lợi nhờ quá trình công nghiệp hóa thời gian trước như các nước châu Âu và Bắc Mỹ nên chi trả phần lớn chi phí giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Các số liệu của Bộ Môi trường nước này cho thấy một người dân của Ấn Độ mỗi năm sản xuất ra khoảng 1,9 tấn carbon, thấp hơn so với mức 7,1 tấn của người dân ở Liên minh châu Âu (EU), 8,4 tấn của người Trung Quốc và 18 tấn của người Mỹ.