Theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, chỉ số bụi mịn PM2.5, loại độc hại nhất có thể đi vào máu, ở mức 588 vào sáng 3/11, cao gấp gần 40 lần so với ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Người dân có thể cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng, thường xuyên chảy nước mắt và ngứa cổ họng sau khi đi ngoài đường nhiều giờ đồng hồ.
Vào mùa Đông hàng năm, thời tiết mát mẻ hơn, người dân đốt rơm rạ gây khói kết hợp với khí thải của các phương tiện giao thông và các nguồn phát thải khác đã tạo ra màn khói bụi độc hại đặc quánh bao trùm New Delhi, làm giảm tầm nhìn của thành phố gồm 20 triệu dân này.
Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch ở bang Punjab và các bang khác vẫn diễn ra hàng năm bất chấp những nỗ lực của chính quyền thuyết phục người nông dân sử dụng các biện pháp khác. Theo Bộ trưởng Môi trường Bhupender Yadav, hiện số vụ đốt rơm rạ ở bang Punjab đã tăng hơn 19% so với năm 2021. Giới chức thủ đô New Delhi cũng đã đưa ra những kế hoạch khác nhau nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay như tạm ngừng các hoạt động xây dựng, nhưng biện pháp này ít hiệu quả.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet hồi năm 2020, trong năm 2019, tại Ấn Độ có khoảng 1,67 triệu người người tử vong vì ô nhiễm không khí, trong đó gần 17.500 người ở New Delhi.