Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (phải). Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Ấn Độ-ASEAN lần thứ 8 (Đối thoại Delhi VIII) diễn ra tại thủ đô New Delhi ngày 19/2, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã kêu gọi Bắc Kinh tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây căng thẳng trong khu vực, trong bối cảnh Mỹ xác nhận việc Trung Quốc đã bố trí tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bà Swaraj cho rằng đại dương và biển, bao gồm cả Biển Đông là con đường dẫn tới sự thịnh vượng và an ninh. Bà nhấn mạnh sự an toàn của các tuyến đường biển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là quan trọng cho nền kinh tế của Ấn Độ khi một phần của thương mại toàn cầu đi qua eo biển Malacca và xa hơn nữa. Sự phát triển của một nền kinh tế xanh và sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên biển chỉ có thể được thực hiện trong phạm vi các quy tắc và chuẩn mực được quốc tế công nhận. Bà Swaraj cho biết Ấn Độ hỗ trợ sự phát triển của cấu trúc khu vực, bao gồm sự cân bằng, minh bạch và cởi mở đối với an ninh và hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong phát biểu cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup khẳng định điều quan trọng là phải đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm kết thúc đàm phán để thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trước đó, ngày 19/2, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó.
Ngày 19/2/2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Cùng ngày, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng đã có công hàm gửi TTK LHQ đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên”.