Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm 43.654 ca mắc mới, nâng tổng số nhiễm virus tại nước này lên 31,44 triệu, trong đó có 422.054 ca tử vong.
Riêng tại New Delhi, số ca nhiễm mới giảm mạnh là yếu tố để chính quyền thông báo chính thức nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch một cách thận trọng với các cấp độ khác nhau nhằm từng bước kiểm soát dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ cảnh báo tốc độ tiêm chủng tại nước này đang chậm lại đáng kể và có thể không thực hiện được mục tiêu tiêm chủng 1,35 tỷ liều vaccine trong tháng 7. Nước này từng lập kỷ lục tiêm tới 8,7 triệu liều/ngày hôm 21/6.
Trong khi đó, Chile cũng chứng kiến số ca mắc mới trong ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Với 753 ca nhiễm mới trong ngày 27/7, đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày ở Chile xuống dưới 1.000 ca/ngày trong hơn 1 năm qua.
Hiện quốc gia Nam Mỹ này có tổng cộng 1.611.090 ca mắc COVID-19, trong đó có 35.151 ca tử vong. Kể từ đầu tháng 6, Chile đã ghi nhận số ca mắc trong ngày giảm dần và xuống dưới con số 1.500 ca/ngày trung bình cho đến nay. Một số khu vực tại Chile đã đạt miễn dịch cộng đồng hoàn toàn khi tỷ lệ tiêm vaccine đã phủ rộng hơn 80% dân số cả nước.
Liên quan đến nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, ngày 27/7 giới chức Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba sau khi kết quả một nghiên cứu cho thấy kháng thể sản sinh từ hai mũi tiêm giảm dần theo thời gian.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, lo ngại ngày càng gia tăng về tính hiệu quả vaccine trong những tuần gần đây khi hàng trăm nhân viên y tế, trong đó hầu hết đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine của Sinovac, bị tái nhiễm virus. Hiện vaccine của Sinovac chiếm tới hơn 4/5 trong tổng số 173 triệu liều vaccine mà Indonesia đã nhận được cho đến nay.
Một nghiên cứu được công bố trong tuần này cho thấy kháng thể sản sinh từ vaccine Sinovac giảm xuống dưới ngưỡng cần thiết khoảng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai ở hầu hết những người được tiêm, mặc dù mũi thứ ba có tác dụng tăng cường mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ việc giảm kháng thể này ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả tiêm chủng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, quan chức cấp cao của Bộ Y tế, cho hay mức độ kháng thể suy giảm vẫn đủ để bảo vệ, dựa trên các dữ liệu lâm sàng tại Indonesia.
Bà Siti cho biết: “Hiện ban tư vấn tiêm chủng khuyến cáo cần tiêm nhắc lại 12 tháng sau mũi thứ hai”, đồng thời cho biết thêm rằng Chính phủ Indonesia vẫn đang cân nhắc nên tiêm nhắc lại một mũi hay hai mũi.
Bà Siti không cho biết loại vaccine nào sẽ được sử dụng để tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kusnandi Rusmil thuộc Đại học Padjadjaran - người đứng đầu các thử nghiệm lâm sàng vaccine của Sinovac tại Indonesia - cho biết bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào đã được phê duyệt đều có thể được sử dụng để tiêm nhắc lại.
Theo ông Kusnandi, thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc vào tháng tới và dữ liệu nghiên cứu cho đến nay cho thấy mức độ kháng thể suy giảm theo thời gian. Điều này đã thúc đẩy ông Kusnandi khuyến nghị Chính phủ tiêm nhắc lại mũi thứ ba cho các nhân viên y tế.
Hôm 16/7, Indonesia đã bắt đầu tiêm nhắc lại mũi thứ ba cho các nhân viên y tế bằng vaccine của hãng Moderna trong bối cảnh có tới 1.569 nhân viên y tế đã tử vong do COVID-19, trong đó có gần 400 người từ tháng 6 đến nay.