Cơ quan đăng ký thử nghiệm lâm sàng Ấn Độ cho biết sẽ có khoảng 3.000 người trưởng thành (từ 18-55 tuổi) tham gia đợt thử nghiệm này.
Đây là loại vaccine dựa trên protein, tương tự như công nghệ bào chế vaccine cúm mùa của Sanofi, kết hợp với một tá dược đóng vai trò củng cố hiệu quả tạo miễn dịch. Sanofi cũng có kế hoạch thử nghiệm vaccine này như một loại mũi nhắc lại, không quan trọng mũi đầu tiên là vaccine nào.
Tháng 5 vừa qua, hai hãng đã khởi động các cuộc thử nghiệm vaccine trên toàn cầu, với sự tham gia của hơn 35.000 người trưởng thành. Họ hy vọng sẽ được phê chuẩn vào cuối năm 2021 sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu chứng tỏ rằng vaccine tạo phản ứng miễn dịch mạnh.
Ấn Độ đã ghi nhận gần 46.000 ca nhiễm mới trong ngày 8/7. Giới chuyên gia cảnh báo các số liệu trên thực tế có thể còn cao hơn.
* Trong một diễn biến khác, Indonesia và Thái Lan đang cân nhắc tiêm mũi nhắc lại cho các nhân viên y tế đã được miễn dịch bằng vaccine của hãng Sinovac.
Trước đó, một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu triển khai tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm các loại vaccine của Trung Quốc, do lo ngại các biến thể mới của virus.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát y tế của Quốc hội Indonesia, Melki Laka Lena cho biết: "Đã đến lúc các nhân viên y tế cần được tiêm mũi nhắc lại thứ ba để bảo vệ họ khỏi tác động của các biến thể mới nguy hiểm hơn và đáng lo ngại hơn". Tuy nhiên, Bộ Y tế Indonesia cần phải chờ khuyến cáo của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) về việc này.
Trong khi đó, Thái Lan cũng có kế hoạch tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho khoảng 700.000 nhân viên y tế của mình, hầu hết trong số này đã tiêm đủ hai mũi vaccine của hãng Sinovac. Một quan chức y tế cấp cao Thái Lan Udom Kachintorn cho biết kế hoạch này nhằm tăng cường miễn dịch khi biến thể Delta đang làm tăng số ca nhiễm.