Theo ông Arora, cuộc bầu cử hạ viện khóa 17 sẽ được tổ chức theo 7 giai đoạn, lần lượt vào các ngày 11/4, 18/4, 23/4, 29/4, 6/5, 12/5 và 19/5. Công tác kiểm phiếu của tất cả các giai đoạn sẽ diễn ra vào ngày 23/5. Dự kiến có tổng cộng khoảng 900 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, so với con số 816 triệu cử tri của cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2014.
Ông Arora đồng thời lưu ý bộ Quy chế bầu cử có hiệu lực tức thì từ ngày 10/3 và sẽ có gần 1 triệu trạm bỏ phiếu được thiết lập trên toàn quốc. Quy chế bầu cử cấm chính phủ công bố bất cứ động thái chính sách nào có thể tác động đến quyết định của cử tri. Ngoài ra, tất cả các hoạt động quảng bá chính sách trên mạng xã hội sẽ cần được cấp phép.
Nhiệm kỳ của Hạ viện khóa 16 hiện nay sẽ kết thúc vào ngày 3/6 tới.
Hạ viện Ấn Độ gồm 543 ghế. Chính đảng hoặc liên minh nào giành được tối thiểu 272 ghế sẽ có quyền đứng ra thành lập chính phủ. Cuộc tổng tuyển cử lần sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) cầm quyền do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu và phe đối lập do đảng Quốc đại (INC) lãnh đạo.