Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Modi khẳng định quan điểm của các nhà lãnh đạo, qua các phiên họp tại Hội nghị, cho thấy Nam bán cầu cần đoàn kết và các cuộc thảo luận đã đặt nền tảng cho việc hướng tới tương lai với sự hiểu biết lẫn nhau. Do đó, thay mặt Ấn Độ, ông đã đề xuất "Hiệp ước Phát triển Toàn cầu" và nền tảng của hiệp ước này sẽ dựa trên hành trình phát triển và kinh nghiệm hợp tác phát triển của Ấn Độ.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho biết thêm hiệp ước này sẽ phù hợp với các ưu tiên của các nước đang phát triển, lấy con người làm trung tâm, đa chiều cho phát triển và sẽ thúc đẩy cách tiếp cận đa ngành. Hiệp ước sẽ không gây gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang cần vốn tài trợ phát triển, giúp các nước đối tác phát triển cân bằng và bền vững.
Cũng theo Thủ tướng Modi, Hiệp ước sẽ tập trung vào thương mại để phát triển, xây dựng năng lực cho tăng trưởng bền vững, chia sẻ công nghệ, tài chính ưu đãi và tài trợ cho từng dự án cụ thể. Để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, Ấn Độ sẽ khởi động một quỹ đặc biệt trị giá 2,5 triệu USD giúp đào tạo về chính sách thương mại và đàm phán thương mại nhằm xây dựng năng lực trong lĩnh vực này.
Đề cập đến việc một số quốc gia quan ngại về tình hình căng thẳng và xung đột tại một số khu vực trên thế giới, Thủ tướng Modi cho biết đây là vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia. Giải pháp cho những quan ngại này phụ thuộc vào sự quản trị toàn cầu công bằng và toàn diện, các tổ chức có ưu tiên dành cho Nam bán cầu, nơi các nước phát triển đang thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình, đồng thời cần thực hiện các bước để thu hẹp khoảng cách giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Hội nghị thượng đỉnh về tương lai tại Liên hợp quốc vào tháng tới có thể là một cột mốc quan trọng nhằm giải quyết tất cả những vấn đề trên.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ sẽ đóng góp ban đầu 25 triệu USD vào 'Quỹ tác động xã hội' nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) ở Nam bán cầu.
Trước đó cùng ngày, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi khẳng định "Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu là một nền tảng nơi chúng ta có thể lên tiếng về nhu cầu và nguyện vọng của những người vẫn chưa được lắng nghe. Tôi tin rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở sự đoàn kết và chúng ta sẽ đi theo một hướng mới”.
Ấn Độ đã đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu lần thứ nhất trong hai ngày 12-13/1/2023, và lần thứ 2 vào ngày 17/11/2023, cả hai đều ở dạng trực tuyến.