“Suốt 70 năm qua, nguồn nước vốn dĩ thuộc về Ấn Độ và người nông dân tại bang Haryana đều chảy sang Pakistan. Tôi sẽ ngăn chặn việc này và đưa nước về gia đình các bạn. Tôi sẽ chiến đấu cùng với các bạn”, Thủ tướng Modi cam kết trong một cuộc gặp mặt tiếp xúc cử tri tại Charkhi Dadri ngày 15/10.
Theo kênh RT, Ấn Độ và Pakistan chung nhau dòng nước từ 6 con sông chảy qua lãnh thổ hai quốc gia theo Hiệp định Các nguồn nước Indus ký năm 1960. Mặc dù hai nước láng giềng đã nảy sinh xung đột trong 3 cuộc chiến tranh song hiệp định này chưa bao giờ bị phá vỡ.
Theo điều khoản trong Hiệp định, Ấn Độ kiểm soát lượng nước từ ba sông Ravi, Beas và Sutlej, trong khi Pakistan được quyền sử dụng nước của các sông Indus, Chenab, và Jhelum. Tuy nhiên, có khoảng 5% lượng nước trên các con sông thuộc quyền sử dụng của Ấn Độ chảy xuống lãnh thổ Pakistan.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều thành phố Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do hàng năm lượng nước mưa dưới mức trung bình. Ít nhất 21 thành phố, trong đó có thủ đô New Delhi, có thể sẽ cạn nguồn nước ngầm vào đầu năm 2020, kéo theo khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh thiếu nước.
Bài phát biểu của Thủ tướng Modi ngày 15/10 không phải là lần đầu tiên Chính phủ Ấn Độ lên tiếng sẽ chuyển hướng dòng nước từ các con sông.
Hồi tháng 2, Bộ trưởng Giao thông, Đường cao tốc, Hàng hải và Bảo tồn nguồn nước Nitin Gadkari đã cảnh báo Pakistan về việc “sẽ chuyển hướng dòng nước từ các con sông phía Đông để cấp nước cho người dân ở bang Jammu và Kashmir, bang Punjab”.
Lời cảnh báo được đưa ra sau diễn biến một vụ đánh bom tự sát khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ở Pulwama. Về phần mình, Islamabad cáo buộc New Delhi “gây sự” và khẳng định sức mạnh của quân đội Pakistan có khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.