Nhu cầu sử dụng điện gia tăng đã khiến một số bang trong đó có Punjab và Uttar Pradesh ở miền Bắc và Andhra Pradesh ở miền Nam của Ấn Độ phải cắt giảm nguồn cung. Một số nơi phải cắt điện đến 8 tiếng khiến người dân phải chịu đựng sức nóng khắc nghiệt hoặc tìm kiếm các phương án thay thế tốn kém.
Ông Shailendra Dubey, Chủ tịch Liên đoàn Kỹ sư điện toàn Ấn Độ, cho hay mặc dù tình trạng mất điện không phải chuyện hiếm gặp ở Ấn Độ nhưng tình năm nay đặc biệt là lời báo động về một cuộc khủng hoảng năng lượng đang hiện hữu.
Tình trạng mất điện do khan hiếm than - nhiên liệu hóa thạch chiếm 70% sản lượng điện của Ấn Độ - đang đe dọa làm trì trệ nền kinh tế trị giá 2,7 nghìn tỷ USD này.
New Delhi vốn đang tìm cách khởi động lại nền kinh tế sau một đợt suy giảm kỷ lục do đại dịch COVID-19 gây ra. Thực trạng này cũng đang thúc đẩy lạm phát tăng cao cùng lúc các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn để kiềm chế giá năng lượng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine.
Những doanh nghiệp nhỏ và lớn, trong đó có các nhà sản xuất kim loại, hợp kim và xi măng, đang tiêu tốn nhiều chi phí năng lượng hơn trong bối cảnh thị trường nội địa và toàn cầu eo hẹp. Theo công ty tài chính Nomura Holdings, tình trạng thiếu than đá kéo dài dai dẳng có thể đè nặng lên sản lượng công nghiệp của đất nước và trở thành một cú sốc lạm phát đình đốn khác.
Các nhà kinh tế tại Nomura Holdings đã viết trong một báo cáo ngày 19/4: “Nhu cầu điện đã tăng vọt do việc mở cửa trở lại và thời tiết chuyển sang mùa hè, nhưng nguồn cung đã bị gián đoạn do gặp phải khó khăn về khâu vận chuyển”.
Ấn Độ đang tìm cách quay trở lại mức tăng trưởng cả năm sau khi tổng sản phẩm quốc nội giảm 6,6% trong tài khóa đến tháng 3/2021. Nhưng lạm phát toàn phần đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng liên tiếp vào tháng 3 vừa qua - cao hơn dự báo 6% của ngân hàng trung ương - và gây ra nhiều khó khăn.
Trong khi sự phục hồi hoạt động sản xuất công nghiệp đang khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng đột biến, thì đợt nắng nóng cũng góp phần ảnh hưởng rõ rệt.
Nhiệt độ tiếp tục tăng cao ở nhiều nơi trên Ấn Độ, khiến cơ quan dự báo thời tiết phải đưa ra cảnh báo. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, thủ đô New Delhi chạm ngưỡng 42,4 độ C vào ngày 9/4 và trở thành ngày nóng nhất trong 5 năm qua. Nền nhiệt trung bình trên toàn quốc đạt gần 33,5 đọ C trong tháng 3, tức mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi các nhà chức trách bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1901.
Theo ông Atul Ganatra, Chủ tịch Hiệp hội Bông Ấn Độ, tình trạng mất điện đã khiến hoạt động của một số nhà máy dệt ở miền Tây và miền Nam bị đình trệ. Vì giá bông đang tăng cao khiến họ không thể sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel đắt đỏ hay các phương án cấp điện khác. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ bông.
Atul Singh, người điều hành một đại lý xe hơi và cửa hàng sửa chữa ở bang Bihar, cho biết việc cắt điện thường xuyên đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận của ông. Ông Singh cho biết đã ấy bỏ ra nhiều chi phí để chạy phát điện thay thế.
Người nông dân cũng đang hứng chịu thiệt hại từ việc cắt điện. Mohit Sharma chia sẻ bản thân không thể tưới nước cho những cánh đồng ngô của anh ở Uttar Pradesh. Sharma nói qua điện thoại: “Chúng tôi không có điện cả ngày lẫn đêm. Bọn trẻ không thể học bài vào buổi tối và chúng tôi thậm chí không ngủ được vì quá nóng”.
Lượng than tồn kho tại các nhà máy điện của Ấn Độ gần đây đã giảm mạnh với nguyên nhân chủ yếu là do giảm sản lượng khai thác trong nước giảm, thiếu phương tiện vận chuyển và hạn chế nguồn nhập khẩu vì giá vận chuyển đường biển tăng cao. Dữ liệu của Bộ Điện lực Ấn Độ cho thấy tính đến ngày 18/4, các nhà sản xuất chỉ còn nắm giữ lượng điện dự trữ đủ dùng trong 9 ngày. Mặc dù đã tăng sản lượng lên 27% trong nửa đầu tháng này, công ty than Coal India - công ty vận hành một số mỏ than lớn nhất châu Á – thông báo đã không thể bắt kịp với nhu cầu tiêu thụ tăng cao hiện nay.
“Các nhà máy nhiệt điện trên khắp đất nước đang phải vật lộn với tình trạng thiếu than khi nhu cầu tiêu thụ điện ở các bang tăng lên”, ông Shailendra Dubey tuyên bố. Trong khi đó, các nhà khai thác than hầu như không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất do cơ sở hạ tầng yếu kém.
Cuộc khủng hoảng than đã quay trở lại vào năm ngoái, để lộ ra những rạn nứt khi nền kinh tế mở cửa lại và càng bị khắc sâu hơn vì giá nhập khẩu leo thang. Vào tháng 9/2021, lượng dự trữ tại các nhà máy điện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017.
Debasish Mishra, một đối tác của tập đoàn tài chính Deloitte Touche Tohmatsu ở Mumbai, dự báo Ấn Độ sẽ còn hứng chịu thêm nhiều thiệt hại từ vấn nạn thiếu năng lượng. Mùa mưa lũ sắp đến có khả năng làm chậm quá trình sản xuất và cung cấp than hơn nữa.
“Các nhà máy nên tích lũy than trước mùa mưa. Nhưng điều đó lại không thể xảy ra. Với nhu cầu tăng cao, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng than còn tồi tệ hơn năm ngoái”, ông Mishra nói.