Đây là lần đầu tiên HĐBA LHQ tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển. Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ, tối 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến này.
Theo Thủ tướng Modi, thứ nhất là dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hải. Trong bối cảnh này, nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh đến chính sách An ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực (SAGAR) - một khuôn khổ Ấn Độ công bố năm 2015 về an ninh hàng hải khu vực. Thứ hai, ông nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này hết sức quan trọng để thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau cũng như đảm bảo hòa bình và ổn định toàn cầu. Thứ ba, ông đề xuất các quốc gia cùng nhau giải quyết các mối đe dọa bắt nguồn từ các thực thể phi nhà nước và thảm họa thiên nhiên. Thứ tư, ông cho rằng cần bảo tồn môi trường và các tài nguyên biển, đồng thời nêu bật tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa và tràn dầu. Thứ năm, ông kêu gọi kết nối có trách nhiệm và cần phải có một cấu trúc để thúc đẩy thương mại biển, với việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Modi là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên chủ trì một cuộc thảo luận mở của HĐBA LHQ. Cuộc thảo luận diễn ra theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, tập trung trao đổi về cách thức đối phó hiệu quả với tội phạm trên biển, tình trạng mất an ninh và tăng cường phối hợp trong lĩnh vực hàng hải. Đây là cuộc thảo luận đầu tiên trong ba sự kiện tiêu biểu mà Ấn Độ tổ chức trên cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ. Hai sự kiện còn lại liên quan đến vấn đề gìn giữ hòa bình của LHQ và chống khủng bố.
Ấn Độ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ trong tháng 8 này. Trước đó, HĐBA đã thảo luận và thông qua các nghị quyết về các khía cạnh khác nhau của an ninh hàng hải và tội phạm biển. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên an ninh hàng hải được thảo luận một cách tổng thể như một nội dung chuyên biệt trong một cuộc thảo luận mở ở cấp cao như vậy. Một tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Vì không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết các khía cạnh đa dạng của an ninh hàng hải, điều quan trọng là phải xem xét vấn đề này một cách tổng thể trong HĐBA LHQ. Một cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh hàng hải sẽ bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động hàng hải hợp pháp, chống lại các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực hàng hải”.
Cuộc họp có sự tham dự của một số lãnh đạo các quốc gia thành viên HĐBA LHQ như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống CHDC Congo Felix Antoine Tshisekedi Tshilombo, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và cùng các diễn giả cấp cao của LHQ và những tổ chức khu vực quan trọng. Ngoại trưởng Antony Blinken đại diện cho Mỹ tham dự sự kiện này.
Tại sự kiện này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất lập một cơ chế đặc biệt trong LHQ để đối phó với tội phạm hàng hải.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Putin lưu ý rằng đến việc thiết lập một cơ cấu đặc biệt trong hệ thống LHQ nhằm trực tiếp giải quyết các vấn đề chống tội phạm hàng hải ở các khu vực khác nhau.
Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi chống lại tội phạm xuyên quốc gia một cách hiệu quả hơn và ngăn chặn việc sử dụng biển và đại dương cho các mục đích tội phạm. Ông khẳng định Nga đang làm nhiều việc để duy trì an ninh hàng hải và quan tâm đến việc xây dựng quan hệ hợp tác với các nước trong lĩnh vực này. Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga muốn hỗ trợ đảm bảo an ninh ở các khu vực Vịnh Persia và Đại Tây Dương, nơi các vụ cướp biển diễn ra thường xuyên hơn.