Cam kết này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến song phương, trong đó lần đầu tiên quy tụ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tất cả 27 lãnh đạo của khối, một dấu hiệu cho thấy EU quan tâm trở lại khu vực khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ trước đây chỉ có sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí nối lại đàm phán để có một hiệp định thương mại cân bằng, đầy tham vọng, toàn diện và cùng có lợi nhằm đối phó với các thách thức hiện nay". Các nhà lãnh đạo EU và Ấn Độ đồng thời cho rằng để đàm phán thành công, cả hai bên phải giải quyết các vấn đề về tiếp cận thị trường. Hai bên cũng nhất trí khởi động đàm phán về một thỏa thuận bảo hộ đầu tư độc lập.
Các nhà lãnh đạo EU và Ấn Độ cũng nhất trí xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng chung trên thế giới, trong khuôn khổ quan hệ đối tác kết nối, đặc biệt là ở châu Phi. Hai bên đồng thời cam kết tăng cường hợp tác nhằm hạn chế trình trạng biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ tổ chức các cuộc họp để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng và hiện đại hóa lưới điện.
Tuyên bố chung đồng thời khẳng định cuộc họp đã nêu bật những lợi ích, các nguyên tắc và giá trị chung về dân chủ, tự do, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền, vốn là nền tảng cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai bên. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi nhất trí rằng, với tư cách là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, EU và Ấn Độ có lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững trong một thế giới đa cực… Chúng tôi tái khẳng định cam kết bảo vệ và thúc đẩy tất cả các quyền con người, trong đó có bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc tăng cường các cơ chế cụ thể để thúc đẩy quyền con người và vai trò của các tổ chức nhân quyền quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà báo".
Các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Ấn Độ đã bị đình trệ vào năm 2013 do những bất đồng về cắt giảm thuế, bảo vệ bằng sáng chế, bảo mật dữ liệu và quyền của các chuyên gia Ấn Độ làm việc tại châu Âu. Một nghiên cứu năm 2020 của Nghị viện châu Âu cho thấy một thỏa thuận thương mại giữa EU và Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích lên tới 8,5 tỷ euro (10,2 tỷ USD), mặc dù ước tính này được đưa ra trước Brexit.
EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ. Năm 2020, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 62,8 tỷ euro (76,4 tỷ USD), tương đương 11,1% tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ, xếp sau Mỹ (11,7%) và Trung Quốc (12%).