Trong khi đó, mạng The Hindu tổng hợp số liệu từ các bang cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ hiện là 712, trong đó có 18 người tử vong.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã công bố gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.700 tỷ rupee (khoảng 22,5 tỷ USD) để đối phó với những tác động của dịch bệnh. Thông qua gói cứu trợ, Chính phủ sẽ chuyển tiền trực tiếp và đảm bảo an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người nghèo đang lao đao vì lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc.
Tại nước láng giềng Pakistan, tính đến ngày 26/3 đã ghi nhận 1.190 ca nhiễm, trong đó 8 người đã tử vong. Sau cuộc họp cùng ngày của Ủy ban điều phối quốc gia về COVID-19, cơ quan này đã quyết định sẽ tiếp tục đóng cửa các trường học cho đến ngày 31/5, tuy nhiên, các đền thờ Hồi giáo vẫn được hoạt động nhưng số lượng người đến cầu nguyện sẽ hạn chế.
Truyền thông Ai Cập dẫn lời người đứng đầu Nghiệp đoàn Y tá Kawthar Mahmoud cho biết đã có 19 y tá ở các bệnh viện khác nhau tại quốc gia Bắc Phi này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện sức khỏe của 19 y tá này đang được theo dõi chặt chẽ.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập cùng ngày thông báo nước này có thêm 39 trường hợp nhiễm bệnh và 3 ca tử vong, nâng tổng ca nhiễm bệnh và tử vong ở nước này lần lượt lên 495 và 24.
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã đánh giá cao nỗ lực của người dân chung tay cùng chính phủ và phản ứng tích cực với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là tuân thủ lệnh giới nghiêm vừa được áp dụng từ ngày 25/3.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, báo cáo mới nhất của Ủy ban giám sát khoa học về tình hình dịch bệnh ở Algeria cho biết tính đến chiều 26/3 theo giờ địa phương, nước này đã ghi nhận thêm 65 ca nhiễm mới và 4 người tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 trên cả nước lên 367 người và 25 ca tử vong. Theo đó, Algeria hiện đứng thứ 3 về số lượng người nhiễm bệnh ở châu Phi sau Nam Phi và Ai Cập, tuy nhiên số ca tử vong lại cao nhất.
Algeria đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời để tránh lây nhiễm, chính quyền yêu cầu tất cả mọi người bắt buộc phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Tunisia, 150 người hầu hết là phụ nữ đã tự cách ly 1 tháng trong nhà máy Consomed chuyên sản xuất các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, bộ đồ vô trùng, để giúp chính phủ nước này chống lại dịch bệnh. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhà báo cũng không được phép đến nhà máy này, nơi có 110 phụ nữ và 40 nam giới bao gồm 1 bác sĩ, đội cấp dưỡng và giám đốc nhà máy, đang làm việc và sinh hoạt ngay tại đây.
Giám đốc nhà máy Consomed Hamza Alouini cho biết đây là cơ sở sản xuất duy nhất các thiết bị bảo hộ cho các bệnh viện ở Tunisia nên nhà máy quyết định đã tự cách ly để tránh trở thành nguồn lây nhiễm bệnh.
Tunisia hiện ghi nhận 173 ca nhiễm bệnh trong đó có 5 người đã tử vong.
Bộ Y tế Israel cũng thông báo trong ngày 26/3 có 324 ca mắc COVID-19 tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 2.693 người. Hiện số ca tử vong cũng tăng lên 8 người.
Israel là một trong số những quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất tại khu vực Trung Đông. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng từ 4% lên 21,2% kể từ đầu tháng 3 đến nay.
Hãng tin IRNA của Iran cho biết nước này ngày 26/3 đã yêu cầu người dân thực hiện kế hoạch dãn cách xã hội trong vòng 1 tuần kể từ ngày 27/3. Kế hoạch này nhằm giảm thiểu các hoạt động tiếp xúc, không tập trung đông người và tránh các sự kiện không cần thiết.
Theo đó, tất cả các trường học, đại học, trung tâm thương mại, công viên, bể bơi và trung tâm giải trí phải đóng cửa. Ngoài ra, các hoạt động di chuyển liên tỉnh bằng đường không, tàu hỏa và xe buýt cũng phải hạn chế. Kế hoạch này có thể được kéo dài nếu giới chức Iran thấy cần thiết.
Tính đến ngày 26/3, Iran đã ghi nhận tổng số 29.406 ca nhiễm bệnh trong đó 2.234 người đã tử vong.