Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai vì dân số đông. Cả hai nước này có hơn 2,8 tỷ người bị ảnh hưởng do thiên tai trong giai đoạn 2000-2019, chiếm khoảng 70% tổng số toàn cầu.
Báo India Today ngày 8/2 dẫn số liệu của Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho hay, trong giai đoạn trên, khoảng 79.732 người đã thiệt mạng và 1,08 tỷ người bị ảnh hưởng trong 321 đợt thiên tai ở Ấn Độ. Trong cùng kỳ, Trung Quốc ghi nhận 577 thảm họa thiên nhiên tác động đến 1,73 tỷ người và khiến 113.000 người chết. Còn Mỹ chứng kiến 467 vụ thiên tai ảnh hưởng đến 110 triệu người.
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ kiêm Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan hồi tuần trước khẳng định, các sự kiện khí hậu khắc nghiệt hoặc các hiện tượng thiên tai đã tăng đáng kể ở Ấn Độ trong thế kỷ 21. Sự gia tăng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau như mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy và các đợt nóng, lạnh được quan sát ở Ấn Độ cũng phù hợp với chiều hướng gia tăng các hiện tượng cực đoan như vậy ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo các nguồn tin, vụ vỡ sông băng tại Chamoli hôm 7/2 nêu trên đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và khoảng 150 người vẫn còn mất tích. Hiện các đội cứu hộ gồm hơn 2.000 người thuộc các lực lượng quân đội, cảnh sát và bán vũ trang đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn dọc bờ sông Alakananda và Dhauliganga ở bang Uttarakhand, trong đó tập trung vào việc giải cứu 37 công nhân bị mắc kẹt bên trong một đường hầm tại dự án Dhauliganga, một trong hai nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng.