Theo kênh CNN, hôm 12/11, 40 người đàn ông đã bị mắc kẹt trong một đường hầm bị sập ở bang Uttarakhand, phía bắc Ấn Độ, trong quá trình xây dựng. Nỗ lực cứu hộ đang trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh có báo cáo cho rằng một số nạn nhân đang gặp vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.
Bốn ngày sau khi vụ việc xảy ra, giới chức đã điều động lực lượng cứu hộ từ thủ đô New Delhi đến để đào đường hầm giải cứu công nhân. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh người thân của các nạn nhân đã tụ tập bên ngoài lối ngoài đường hầm.
Nhà chức trách đang xem xét mọi phương án để tiếp cận các người bị nạn, bao gồm liên hệ với các đội cứu họ có kinh nghiệm trong các nhiệm vụ giải cứu phức tạp.
Cán bộ thông tin quận Uttarkashi, ông Kirti Panwar, cho biết Ấn Độ đang nhận được trợ giúp từ các đội giải cứu đặc biệt từ Na Uy và Thái Lan.
“Đội cứu hộ đã liên hệ với công ty Thái Lan từng giải cứu đội bóng nhỉ mắc kẹt trong hang”, thông báo cho biết thêm. Năm 2018, 12 cậu bé và huấn luyện viên đã được một đội thợi lặn chuyên nghiệp giải cứu sau gần ba tuần bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ngập nước.
Theo CNN, chính quyền Ấn Độ cũng đã liên hệ với Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) để nhờ trợ giúp. Trong tuyên bố hôm 16/11, NGI cho biết đối tác Ấn Độ của họ - doanh nghiệp phục vụ cho Cục Đường sắt của nước này - đang hỗ trợ hoạt động cứu hộ, nhưng cơ quan này hiện chưa tham gia vào việc giải cứu.
Tất cả những người bị mắc kẹt trong đường hầm đều là lao động nhập cư từ bang khác. Đường hầm bị sập là một phần của dự án nâng cấp mạng lưới giao thông của Ấn Độ. Trong quá trình xây dựng, lối vào đã bị sập, khiến họ mắc kẹt khoảng 60 mét bên trong ngọn núi với rất ít ôxy, thức ăn và nước uống.
Giới chức đã liên hệ với các nạn nhân ngay sau sự việc và ngay lập tức thực hiện giải cứu để đưa họ ra ngoài an toàn. Nhà chức trách cũng khẩn trương phối hợp với cảnh sát địa phương, Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia và Quỹ Ứng phó thảm họa của bang để giải cứu các công nhân.
Ban đầu, lực lượng cứu hộ cố đào qua đống đổ nát để tiếp cận nạn nhân, nhưng các mảnh vỡ rơi xuống ngày càng nhiều.
Ông Anshu Manish Khalkho, Giám đốc hành chính và tài chính của Tổng công ty Phát triển Cơ sở hạ tầng và Đường cao tốc Quốc gia, nói: “Đá rất dễ vỡ, chúng tôi càng khoan thì đá càng vỡ vụn ra nhiều hơn. Chúng tôi đang thử nghiệm mọi kỹ thuật mà chúng tôi có”.
Sau đó, nhà chức trách chuyển sang dùng máy khoan nhằm tạo ra một hố đủ rộng gíup các công nhân bò đến nơi an toàn. Thế nhưng phương án này phải dừng lại giữa chừng do tình trạng lở đất phức tạp và máy khoan không đủ mạnh. Cuối ngày 15/11, một chiếc máy khoan công suất cao hơn đã được đưa đến hiện trường để khoan lỗ tạo đường thoát hiểm.
“Nếu thất bại, chúng tôi vẫn có kế hoạch dự phòng thứ ba và thứ tư. Chúng tôi đang xem xét mọi phương án để đưa nạn nhân ra ngoài”, ông Khalkho nói.
Trong khi đó, ôxy, thuốc và thực phẩm tiếp tế được đưa đến các nạn nhân thông qua một đường ống nhỏ khác. Các bác sĩ có mặt tại hiện trường nói rằng một số công nhân đã xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại như đau đầu và buồn nôn.
Bác sĩ B.S. Pokriyal cho biết 40 người đàn ông bị mắc kẹt bên trong đoạn đường hầm dài khoảng 1km. Họ đang phải chịu đựng chứng lo âu và viêm dạ dày.
“Họ liên tục yêu cầu chúng tôi đưa họ ra ngoài nhanh chóng. Vì vậy, tôi đã dành thời gian tư vấn và động viên họ. Chúng tôi đã gửi thuốc, trái cây khô, đậu xanh và bỏng gạo cho các nạn nhân”, ông nói thêm.
Đường hầm bị sập là một phần trong dự án trị giá hàng triệu USD mang tên Cao tốc Char Dham của Thủ tướng Narendra Modi. Cao tốc dự kiến dài gần 1.000km với kỳ vọng cải thiện khả năng tiếp cận đến những địa điểm hành hương quan trọng từ thủ đô New Delhi.
Các nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích dự án Char Dham. Họ cảnh báo dự án này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực Himalaya, nơi hàng triệu người đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu. Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại việc khoan mạnh sẽ làm suy yếu địa hình vốn đã mỏng manh, gây ra nhiều vụ lở đất và lũ quét hơn.
Vụ sập hầm này là một trong những thảm họa xây dựng đáng chú ý ở Ấn Độ, một quốc gia đang nhanh chóng chuyển đổi cơ sở hạ tầng và chi hàng tỷ USD để nâng cấp mạng lưới giao thông.
Hồi tháng 8, ít nhất 10 công nhân đã thiệt mạng sau khi một cây cầu đang xây dựng bị sập ở bang Mizoram phía đông bắc đất nước. Tháng 6, một cây cầu bê tông bốn làn xe đang được xây dựng bắc qua sông Hằng ở bang Bihar phía đông bị sập lần thứ 2 chỉ sau hơn một năm, đặt ra hoài nghi về chất lượng xây dựng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.