IMD cho biết cường độ cơn bão đã suy giảm, dự báo sức gió tối đa ở mức 125-135km/h, giật 140km/h là mức giảm so với dự báo 150km/h trước đó. Tuy nhiên, hướng đi của cơn bão không thay đổi và dự kiến đổ bộ gần cảng Jakhau, giữa thị trần Mandvi của Gujarat và Karachi của Pakistan.
Tại thị trấn duyên hải Mandvi, các nhân chứng cho biết đến sáng 15/6, khu vực này bắt đầu chứng kiến gió lớn tuy bầu trời vẫn trong xanh và thấy ánh Mặt Trời. Quan chức IMD cho biết đến thời điểm đó, tốc độ gió của cơn bão đã lên tới 90km/h và sẽ tăng dần trong các giờ tiếp theo lên 120km/h, giật 135km/h vào chiều cùng ngày. Theo đó, tốc độ gió sẽ còn tăng hơn nữa khi cơn bão đổ bộ vào buổi tối.
Những địa điểm như hội trường trường học, hay các cơ quan công quyền, sẽ tạm thời được dùng làm nơi trú ẩn cho những người sơ tán ở cả Ấn Độ và Pakistan. Các hoạt động đánh bắt cá trong khu vực đã bị đình chỉ cho đến ngày 16/6. Nhiều trường học cũng đóng cửa, các cơ sở khai thác dầu mỏ ngoài khơi và các cảng lớn trong nước cũng phải tạm dừng hoạt động, trong khi các bệnh viện và cơ sở y tế đang trong trạng thái cảnh báo cao nhất để sẵn sàng cho mọi công tác ứng cứu.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề biến đổi khí hậu Pakistan, Sherry Rehman cho biết, thành phố cảng 20 triệu dân Karachi không nằm trong diện các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, song chính quyền đã chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp để đối phó với nguy cơ mưa gió, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Bộ trưởng Rehman cho biết dù không bị ảnh hưởng trực tiếp do bão song Karachi cũng sẽ chứng kiến mưa và gió với cường độ cao, do đó người dân cũng chủ động thực hiện sơ tán tự nguyện.
IMD cảnh báo những ngôi nhà tạm ở vùng duyên hải Gujarat có thể hoàn toàn bị san bằng sau cơn bão, trong khi đường sá, đồn điền và cây trồng sẽ đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng.
Giới chức bang Gujarat của Ấn Độ đã sơ tán hơn 75.000 người khỏi khu vực duyên hải trước nguy cơ chịu ảnh hưởng của cơn bão xoáy Biparjoy.