Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Anil Madhav Dave đánh giá đây là bước tiến lớn trong việc thực hiện các sáng kiến nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Pháp - quốc gia chủ trì Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), đã lập tức hoan nghênh việc làm của Ấn Độ. Trong một tuyên bố từ Paris, Chủ tịch COP-21, Bộ trưởng Môi trường Pháp Ségolène Royal nhấn mạnh sự phê chuẩn của Ấn Độ cho phép Hiệp định nhanh chóng có hiệu lực, phù hợp với những cam kết của COP.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lên tiếng cảm ơn và hoan nghênh nỗ lực của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên nhanh chóng giải quyết các vấn đề nội bộ để sớm phê chuẩn Hiệp định Paris trong năm nay.
Cảnh tượng lưu thông và ô nhiễm ở New Delhi. Ảnh:AFP |
Ấn Độ đã phê chuẩn Hiệp định Paris đúng vào kỷ niệm ngày sinh của anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi. Giải thích về sự lựa chọn này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ lãnh tụ phong trào giành độc lập của Ấn Độ đã ghi dấu ấn về một cuộc sống trong lành, với lượng khí thải carbon thấp. Tổng thống Pháp François Hollande nhấn mạnh "vai trò phát động" của Ấn Độ trong cuộc chiến chống hiện tượng Trái Đất nóng lên. Bộ trưởng Môi trường Pháp Royal cũng cho rằng việc chọn ngày sinh nhật của lãnh tụ Gandhi là một biểu tượng đẹp, có ý nghĩa bởi "cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu là một cuộc đấu tranh vì hòa bình".
Giờ đây, với việc phê chuẩn Hiệp định Paris, Ấn Độ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 100 GW điện năng lượng Mặt trời vào năm 2020, gấp hơn 10 lần sản lượng hiện nay. Cùng với Pháp, Ấn Độ là quốc gia đồng sáng lập Liên minh quốc tế về năng lượng Mặt trời, đặt trụ sở tại ngoại ô New Delhi, nhằm khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo này.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị COP-21 diễn ra ở Paris (Pháp) hồi tháng 12/2015, quy định một loạt biện pháp về chống biến đổi khí hậu, nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp định cần ít nhất 55 quốc gia, chiếm 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, thông qua để có hiệu lực. Hiện đã có 62 nước, phát thải gần 52% lượng khí nhà kính, thống nhất thực hiện thỏa thuận này. Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 4% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.