Theo tờ India Express, mucormycosis (nấm đen) được coi là một bệnh nhiễm nấm hiếm gặp. Tuy nhiên, trong một bản nghiên cứu xuất bản năm 2019 trên Tạp chí Fungi, tỷ lệ mắc bệnh nấm đen ở Ấn Độ là 140 trên 1 triệu người – tỷ lệ cao nhất thế giới cùng với Pakistan.
Các bác sĩ cho biết việc điều trị căn bệnh này phải diễn ra nhanh chóng và tích cực, cũng như kết hợp với việc chẩn đoán sớm. Các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị và trong một số trường hợp, phẫu thuật để loại bỏ phần bộ phận bị nhiễm khuẩn.
Thuốc trị nấm thường được sử dụng nhất là thuốc tiêm kháng sinh Amphotericin B liposomal. Nếu không có, các bác sĩ có thể chọn tiêm Amphotericin B deoxycholate và isavuconazole do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất ở dạng viên nén.
“Chúng tôi bắt đầu với việc tiêm Amphotericin B liposomal, và chuyển sang các loại thuốc khác nếu không có sẵn. Amphotericin B deoxycholate cũng hiệu quả, nhưng nó có thể gây tổn thương thận”, Tiến sĩ Tanu Singhal, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Kokilaben Dhirubhai Ambani, giải thích.
Quá trình điều trị bằng Amphotericin B có thể kéo dài 4-6 tuần với 90-120 liều tiêm Amphotericin B. Giả sử yêu cầu trung bình số thuốc dùng cho mỗi bệnh nhân trong một đợt điều trị là 100 liều, vậy với số ca mắc hiện nay là 9.000 người, Ấn Độ phải cần tới 900.000 liều Amphotericin B và dự kiến con số sẽ tăng lên đáng kể.
Amphotericin B hiện được sản xuất và nhập khẩu bởi 5 hãng dược phẩm tại Ấn Độ bao gồm Bharat Serums & Vaccines, BDR Pharmaceuticals, Sun Pharma, Cipla và Life Care Innovations. Tuy nhiên, số lượng sản xuất thuốc này của các hãng vẫn luôn bị hạn chế do các trường hợp nhiễm nấm đen mỗi năm tại quốc gia không nhiều. Tất cả các hãng dược nói trên ước tính họ chỉ sản xuất tổng cộng 163.000 liều thuốc Amphotericin B trong tháng 5 và 363.000 nghìn liều khác đang trong quá trình nhập khẩu.
“Chúng tôi cần 300.000 liều Amphotericin B mỗi tháng nhưng chúng tôi chỉ nhận được 21.590 liều”, một quan chức cấp cao tại Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) bang Maharashtra cho hay.
Đứng trước tình thế cấp bách, các hãng dược phẩm đã cam kết đẩy mạnh sản lượng sản xuất lên 255.000 liều Amphotericin B trong tháng 6 và nhập khẩu thêm 315.000 liều.
Bên cạnh đó, 5 hãng dược phẩm khác cũng đã được cấp phép để sản xuất thuốc vào tuần trước. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ có thể bắt đầu sản xuất từ tháng 7 và cung cấp 111.000 liều.