Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 của Đại học Hàng hải Ấn Độ (IMU) ở thủ phủ Chennai của bang Tamil Nadu, Tổng thống Murmu thừa nhận rằng nước này "đã tập trung hơn vào phát triển lục địa mà quên rằng phát triển lục địa và phát triển hàng hải có tính bổ sung lẫn nhau". Ngoài ra, Ấn Độ "cũng thiếu các nguồn lực kinh tế và công nghiệp để thiết lập đầy đủ sự hiện diện mạnh mẽ trên biển”.
Theo Tổng thống Murmu, trước khi có thể khai thác triệt để tiềm năng của lĩnh vực hàng hải, Ấn Độ cần phải vượt qua một số thách thức như: nhiều tàu chở container phải chuyển hướng đến các cảng nước ngoài lân cận do hạn chế về độ sâu. Bà nhấn mạnh: “Trong ngành đóng tàu thương mại và dân sự, chúng ta cần hướng tới các tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả, hiệu dụng và khả năng cạnh tranh”.
Tổng thống lưu ý hiệu quả hoạt động và thời gian quay vòng của các cảng Ấn Độ cần phải phù hợp với tiêu chuẩn trung bình toàn cầu và rằng Ấn Độ không nằm trong Top 20 quốc gia hàng đầu về số lượt ghé cảng hằng năm. Trong danh sách 50 cảng container tốt nhất thế giới, Ấn Độ chỉ có 2 cảng.
Tổng thống Murmu chỉ rõ: “Các cảng của Ấn Độ phải giải quyết những thách thức về cơ sở hạ tầng và vận hành trước khi nâng lên cấp độ tiếp theo". Theo bà, phần lớn đội tàu đánh cá của nước này vẫn chưa được cơ giới hóa. Trong bối cảnh này, Chương trình Sagarmala - sáng kiến của Chính phủ Ấn Độ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kho vận - là một bước chuyển đáng kể từ "phát triển cảng" sang "phát triển do cảng dẫn dắt". Năm trụ cột của "phát triển do cảng dẫn dắt" mà Chương trình Sagarmala dự tính là hiện đại hóa cảng, kết nối cảng, công nghiệp hóa do cảng dẫn dắt, phát triển cộng đồng ven biển và vận tải ven biển hoặc vận tải đường thủy nội địa.
Tổng thống Murmu kêu gọi ngành hàng hải Ấn Độ cần phải chủ động và nhanh chóng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, vốn có nguy cơ làm gián đoạn sinh kế, đặc biệt là đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Hiện Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về “Cảng cho sự thịnh vượng và Cảng cho sự tiến bộ”.