Lãnh đạo cơ quan y tế bang Kerala, bà Veena George cho biết đang tiến hành xét nghiệm ở người, đồng thời cử các chuyên gia đi lấy mẫu chất lỏng từ các khu rừng - nơi khả năng là “điểm nóng” phát tán virus.
Các mẫu nước tiểu của dơi, phân động vật và trái cây ăn dở đã được thu thập từ làng Maruthonkara, nơi bệnh nhân đầu tiên sinh sống và gần khu rừng rộng hơn 120 ha vốn là nơi cư trú của một số loài dơi. Trước đó, dơi ăn quả từ khu vực này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah trong đợt đầu tiên bùng phát bệnh tại bang Kerala vào năm 2018.
Bà George lưu ý bang Kerala đang trong giai đoạn cảnh giác cao độ và phát hiện ca bệnh, đồng thời cho biết 77 người được xác định có nguy cơ cao nhiễm virus Nipah. Gần 800 người đã được xét nghiệm trong 48 giờ qua tại huyện Kozhikode. Kết quả cho thấy 2 người lớn và 1 trẻ em dương tính với virus. Những người này đang được nhập viện để theo dõi.
Ngày 13/9 vừa qua, chính quyền bang Kerala đã ra lệnh đóng cửa một số trường học, văn phòng, cơ sở tôn giáo và dịch vụ giao thông công cộng nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus Nipah. Trong khi đó, chính quyền các bang lân cận Karnataka và Tamil Nadu đã chỉ thị xét nghiệm những người đến từ Kerala và có kế hoạch cách ly những người có triệu chứng.
Đây là đợt bùng phát virus Nipah thứ 4 ở bang Kerala kể từ năm 2018. Tính từ ngày 30/8 đến nay đã có 2 người tử vong.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu vào năm 1990 trong đợt bùng phát dịch bệnh ở những người nuôi lợn và những cá nhân tiếp xúc gần động vật tại Malaysia và Singapore. Đáng chú ý, đợt bùng phát virus Nepah đầu tiên ở Kerala đã khiến 21 trong số 23 người nhiễm bệnh tử vong.
Theo một khảo sát do Reuters thực hiện tháng 5 vừa qua, Kerala thuộc nhóm các khu vực có nguy cơ cao nhất bùng phát các bệnh do virus gây bệnh từ dơi, đặc biệt khi nạn phá rừng và tình trạng đô thị hóa trên diện rộng đã kéo gần tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã.