Số vũ khí này chủ yếu được tăng cường cho khu vực cao nguyên Tawang giáp biên giới với Bhutan và vùng Tây Tạng (Trung Quốc). Đây là vùng đất mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nhưng do Ấn Độ quản lý trên thực địa.
Những vũ khí này gồm có trực thăng Chinook, lựu pháo M777 cùng các loại súng trường do Mỹ chế tạo, cùng với đó là tên lửa hành trình siêu thanh do Ấn Độ tự phát triển, một hệ thống do thám đời mới. Nhiều trong số này là vũ khí của Ấn Độ được Mỹ cung cấp trong bối cảnh hợp tác giữa hai nước có đà phát triển tích cực trong vài năm gần đây.
Trung tướng Manoj Pande, Tư lệnh quân khu miền Đông của quân đội Ấn Độ, cho biết các hệ thống thiết giáp, pháo binh và yểm trợ trên không mới được triển khai giúp các lực lượng của nước này trở nên cơ động, tinh nhuệ và có thể triển khai tác chiến nhanh hơn. Các Lữ đoàn sơn cước tấn công (MSC) của Ấn Độ cũng đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.
Ấn Độ tăng cường năng lực phòng thủ dọc biên giới Trung Quốc sau khi nổ ra vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa hai bên sau nhiều thập kỉ ở thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh hồi tháng 5/2020, làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Hai bên sau đó đã nối lại đàm phán về triệt thoái vũ khí, lực lượng dọc biên giới, nhưng vẫn chưa đạt được đột phá trong xử lý các điểm tranh chấp mấu chốt trên thực địa.
Theo Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ tại Quỹ nghiên cứu quan sát (Observer Research Foundation) có trụ sở ở New Delhi, bước điều chuyển, tăng cường binh lực này cho thấy sự thất vọng của Ấn Độ khi đàm phán không có tiến triển. Nó cũng cho thấy một thực tế tiến trình giải quyết tranh chấp sẽ gần như sẽ không thể sớm hoàn tất.
Bố trí lực lượng tạm thời của Ấn Độ tập trung cho hướng đông, nơi nhận được lượng quân số tăng cường lên đến hơn 30.000 quân trong năm vừa qua. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi không muốn lặp lại thất bại cay đắng của trận chiến năm 1962, khi Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chiếm được Tawang sau khi quân đội Ấn Độ rút khỏi khu vực này, dẫn đến không có sự chuẩn bị tốt khi giao tranh nổ ra.
Khu vực mà Ấn Độ mới triển khai thêm nhiều khí tài có vai trò trọng yếu đối với thế trận quốc phòng của nước này. Nó có đường biên giới kéo dài về phía đông tới Myanmar, cùng một hành lang hẹp đi xuyên qua Bhutan, Nepal và Bangladesh, nơi có các đường ống dẫn khí đốt cùng các tuyến đường sắt nối miền trung Ấn Độ với các khu vực phía đông bắc.
Điểm nhấn trong chiến lược phòng thủ là việc thành lập một lữ đoàn không vận mới, cách thung lũng Tawang khoảng 300 km. Đơn vị này được trang bị trực thăng Chinook đủ sức vận chuyển binh sĩ và lựu pháo M777 qua địa hình đồi núi. Ấn Độ cũng lập một phi đội thiết bị bay không người lái (UAV) được Israel cung cấp, có khả năng theo dõi mọi chuyển động của quân đội đối phương theo thời gian thực.
"Trực thăng Chinook chính là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chúng mang tới khả năng cơ động, tác chiến mà chưa một loại phương tiện nào trước đây làm được. Trực thăng cho phép vận chuyển binh sĩ và khí tài từ sườn núi này tới sườn núi khác một cách nhanh chóng", Thiếu tá Kartik, một phi công trong lữ đoàn mới được thành lập, cho biết.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng phục vụ tác chiến ở khu vực này. Các kĩ sư đang khoan một đường hầm 2 làn chạy xuyên qua một con đèo hiểm trở ở độ cao khoảng 4.000 mét so với mực nước biển, để rút ngắn thời gian đi lại và bảo đảm bí mật cho việc điều chuyển quân, vũ khí tới vùng biên giới có tranh chấp với Trung Quốc. Hiện tại, để tới được khu vực biên giới trên, các phương tiện sẽ phải đi đường vòng với chiều dài lên tới 317 km.
Việc xây dựng đường hầm đang được đẩy nhanh tiến độ, vượt trước kế hoạch đề ra. Đường hầm có thể đưa vào sử dụng từ tháng 6 năm 2022. “Hiện tại, việc dọn tuyết trên tuyến đường đèo cũ mất rất nhiều thời gian, sức lực và cũng chỉ có một số loại phương tiện qua được. Đường hầm sẽ giảm thời gian di chuyển nhiều giờ, cho phép việc di chuyển quân nhanh hơn, không bị gián đoạn”, Đại tá Prakshit Mehra, Giám đốc phụ trách xây dựng đường hầm nói.