Điều đó phản ánh nghịch lý là giữa lúc cả thế giới đang kỳ vọng vào Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - có thể giải tỏa "cơn khát" vaccine COVID-19 để có thể nhanh chóng kiểm soát đại dịch thì ngay trong lòng “công xưởng” ấy, virus SARS CoV-2 với nhiều biến thể đang hoành hành dữ dội hơn bao giờ hết. Hàng loạt biện pháp phong tỏa và hạn chế được tái áp đặt đang đe dọa đà phục hồi kinh tế mong manh và có nguy cơ làm trì hoãn các chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến sáng 5/4, nước này ghi nhận 103.558 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, đưa tổng số bệnh nhân trên toàn quốc lên gần 12,6 triệu người, đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil. Mặc dù hiện nay số ca bệnh chủ yếu tập trung ở 8 bang, nhưng làn sóng thứ hai được giới chuyên gia đánh giá là mạnh hơn, nguy hiểm hơn và đang có xu hướng lan ra khắp Ấn Độ.
Sự gia tăng đáng lo ngại các ca nhiễm mới đã buộc chính quyền nhiều bang phải tăng cường các biện pháp chống dịch, trong đó có việc đóng cửa các cơ sở giáo dục, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim,… và hạn chế tập trung đông người tại các đám cưới cùng nhiều hoạt động khác. Ông Uddhav Thackeray, Thủ hiến bang Maharashtra - nơi chiếm hơn 50% số ca nhiễm theo ngày tại Ấn Độ - cho biết bang này sẽ công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong một hoặc hai ngày tới, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng lệnh phong tỏa nếu tình hình không được cải thiện.
Có nhiều nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Ấn Độ. Thứ nhất, người dân chủ quan, lơ là trong khi các quy định về phòng chống dịch được nới lỏng và chiến dịch tiêm chủng được triển khai. Khi số ca nhiễm bắt đầu giảm hồi cuối năm ngoái, người dân ra ngoài nhiều hơn, tụ tập đông hơn, đặc biệt là từ tháng 1/2021 trở đi. Thậm chí, trên các chuyến tàu điện ngầm của New Delhi, Mumbai và Bengaluru, có thể thấy nhiều người đi lại mà không đeo khẩu trang.
Thứ hai, người dân và các chính quyền địa phương bỏ ngoài tai cảnh báo của các chuyên gia y tế rằng đại dịch COVID-19 chưa kết thúc cho dù số ca nhiễm mới tại Ấn Độ giảm xuống dưới mốc 9.000/ngày. Người dân cũng không quan tâm đến lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi về việc duy trì cảnh giác cao độ. Tại nhiều bang, nhiều chính đảng vẫn tổ chức các cuộc tập hợp chính trị để vận động cho cuộc bầu cử ở bang Bihar vào năm ngoái và các cuộc bầu cử lập pháp đang diễn ra ở các bang Assam, Tây Bengal, Kerala, Tamil Nadu và Puducherry. Những hàng dài cử tri bên ngoài các phòng bỏ phiếu và các cuộc mít tinh bầu cử của các đảng phái đã đi ngược lại quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Thứ ba, ngoài những nguyên nhân chủ quan, sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS CoV-2 cũng được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Ấn Độ. Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có một số biến thể đã tạo ra cái mà họ gọi là "những biến thể đáng quan tâm" (VOC). Ấn Độ đã báo cáo các VOC như vậy ở một số bang, bao gồm cả những bang bị ảnh hưởng nặng nhất trong làn sóng thứ hai.
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Ấn Độ đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 và từ ngày 1/4 bắt đầu mở rộng đến những người từ 45 tuổi trở lên. Động thái này dự kiến sẽ khiến nhu cầu về vaccine gia tăng theo cấp số nhân. Tính đến ngày 5/4, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 79 triệu liều vaccine COVID-19.
Trước đó, Ấn Độ đã cung cấp hàng chục triệu liều vaccine COVID-19 ra nước ngoài theo các hợp đồng thương mại hoặc trong khuôn khổ chương trình COVAX của Liên hợp quốc. Đến giữa tháng 3, nước này đã xuất khẩu gấp đôi số liều vaccine được tiêm trong nước. Sáng kiến “Vaccine hữu nghị” của chính phủ của Thủ tướng Modi được nhiều nước hoan nghênh. Tuy nhiên, với việc Ấn Độ hiện đang phải đối mặt sức ép lớn về xuất khẩu vaccine, một số đảng đối lập bắt đầu yêu cầu hạn chế xuất khẩu cho đến khi toàn bộ người dân nước này được tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố tại quốc hội rằng sẽ không xuất khẩu vaccine nếu điều đó làm phương hại lợi ích của người dân trong nước. Chỉ vài ngày sau, Ấn Độ đã siết chặt quy định về xuất khẩu vaccine.
Các hoạt động xuất khẩu chính vaccine của AstraZeneca do Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) ở Pune sản xuất đều bị đình chỉ. Điều đó ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp vaccine trên toàn cầu vì hơn 180 quốc gia dự kiến sẽ nhận vaccine COVID-19 theo sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Chính phủ Ấn Độ từng tuyên bố sẽ không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vaccine COVID-19. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là nước này có thể sẽ điều chỉnh lịch cung ứng theo từng thời điểm, căn cứ vào năng lực sản xuất hiện tại của Ấn Độ cũng như nhu cầu của chương trình tiêm chủng trong nước.
Theo ông Bhramar Mukherjee, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan, để tăng hiệu quả của chương trình tiêm chủng, Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều vaccine COVID-19 mỗi ngày thay vì mức 3 triệu liều/ngày như hiện nay. Ông Mukherjee tỏ ra thất vọng khi Ấn Độ không triển khai chương trình tiêm chủng quyết liệt hơn khi đường cong COVID-19 đi xuống trong những tháng trước bởi việc triển khai tiêm chủng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi tốc độ lây nhiễm không quá cao. Giờ đây, năng lực của ngành y tế Ấn Độ đang phải đối mặt với sức ép lớn từ cả việc tiêm chủng lẫn điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này khi Ấn Độ phải chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, gây tổn hại tới những thành quả phục hồi kinh tế đạt được trong 6 tháng qua.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das trước đó bày tỏ tin tưởng rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai sẽ không cản trở đà phục hồi kinh tế và nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức dự báo 11% trong tài khóa 2021-2022. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng khả năng phục hồi của nền kinh tế Ấn Độ sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của làn sóng lây nhiễm mới cũng như tốc độ tiêm phòng vaccine, đặc biệt đối với những người từ 20-60 tuổi vốn chiếm phần lớn lực lượng lao động nước này.
Hiện chưa có thông tin về một lệnh phong tỏa trên diện rộng tại Ấn Độ và chính phủ trung ương để các bang tự quyết định về các biện pháp hạn chế tại địa phương. Các bang Maharashtra, Punjab và Gujarat đang ở vào cao điểm của đợt bùng phát. Khả năng các bang này áp đặt thêm những biện pháp hạn chế sẽ tác động mạnh tới các hoạt động kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trước tình hình trên, Ấn Độ cần phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn để kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh trước khi hướng tới những mục tiêu cao và xa hơn.