Biến đổi khí hậu do con người gây ra đang biến sức nóng từ Mặt Trời, vốn dĩ rất bình thường, thành một mối nguy hiểm không thể tránh khỏi đối với môi trường. Vào năm 2023, với mức độ carbon dioxide trong khí quyển đạt mức cao mới là 425 ppm, thế giới đã chứng kiến thập kỷ ấm nhất được ghi nhận trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2023.
Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và dễ bị tổn hại bởi nắng nóng. Tình trạng này ngày càng trở nên xấu đi với việc tần suất và khoảng thời gian xuất hiện nắng nóng, sóng nhiệt liên tục gia tăng và kéo dài. Số ngày và đêm nóng bức đã tăng lên đáng kể và theo dự đoán sẽ tăng từ 2 đến 4 lần vào năm 2050. Các đợt nắng nóng cũng được dự đoán đến sớm hơn, kéo dài hơn và trở nên thường xuyên hơn.
Hàng năm, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân Ấn Độ. Số liệu chính thức cho biết các đợt nắng nóng từ năm 1992 - 2015 đã khiến trên 22.000 người tử vong. Tiếp xúc với nhiệt độ quá cao có thể gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe từ tăng lượng đường trong máu, huyết áp dẫn đến đột quỵ và cả các vấn đề về sức khỏe tâm thần…
Sóng nhiệt có thể gây rắc rối cho mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt có thể gây tử vong cho người già hoặc những người mắc bệnh mãn tính đang dùng thuốc kê đơn có thể làm thay đổi cơ chế điều chỉnh nhiệt của cơ thể. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể khó kiểm soát lượng đường trong máu trong những điều kiện thời tiết này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, bác sĩ Tushar Tayal, chuyên gia tư vấn nội khoa, Bệnh viện CK Birla, bang Gurugram cho rằng nhiệt độ cao gây đổ mồ hôi nhiều cộng thêm việc ít nước uống dẫn đến tình trạng mất nước, làm máu trở nên cô đặc và lượng đường tăng. Nếu tiếp xúc với nhiệt độ cao liên tục, cơ thể sẽ giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol và vasopressin, từ đó làm tăng lượng đường trong máu và có thể khiến huyết áp tăng vọt đột biến.
Nắng nóng cũng có thể gây ra hai tình trạng đe dọa tính mạng con người, đó là làm hạ natri máu và hạ kali máu. Natri giúp điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể và ở mức thấp có thể dẫn đến sưng tế bào và phù não. Kali rất quan trọng để duy trì nhịp tim và chức năng cơ bình thường. Kali thấp có thể gây loạn nhịp tim, yếu cơ, tê liệt và suy hô hấp. Nhiệt độ môi trường quá cao cũng có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải, có thể đe dọa tính mạng nếu không được khắc phục ngay lập tức.
Bác sĩ Tayal cũng cho biết thời tiết nóng khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để giữ nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường và điều này gây thêm căng thẳng cho tim, phổi và thận, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tim tiềm ẩn.
Tần suất các đợt nắng nóng ngày càng tăng gây rủi ro cho nền kinh tế và lực lượng lao động, sức khỏe cộng đồng và lưới điện của Ấn Độ. Ông Vishwas Chitale, Chỉ đạo chương trình cấp cao tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW), cho biết: “Khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, việc áp dụng và thực hiện Kế hoạch hành động về ứng phó với nắng nóng (HAP- được đưa ra vào năm 2013) đang trở thành một nhu cầu cấp thiết ở Ấn Độ để giải quyết hiệu quả các tác động của sóng nhiệt”.
Hành động ngắn hạn của HAP gồm các biện pháp như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp nơi trú ẩn mát mẻ và điều chỉnh lịch trình làm việc hoặc học tập để giảm thiểu tiếp xúc với nhiệt.
Về dài hạn, HAP tập trung vào các chiến lược bền vững có tác động vượt ra ngoài một mùa nắng nóng. Các kế hoạch này nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng dễ bị tổn thương do nhiệt và xây dựng khả năng phục hồi trước các đợt nắng nóng trong tương lai. HAP cũng nhấn mạnh các giải pháp như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng các biện pháp nông nghiệp thích ứng với khí hậu và thực hiện các biện pháp quy hoạch đô thị bền vững như tạo hành lang xanh và mái nhà mát mẻ.
Bằng cách thực hiện các biện pháp ngắn hạn và dài hạn được quy định trong HAP, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu giảm tối đa tác động của các đợt nắng nóng đối với cuộc sống con người và nền kinh tế. Tuy nhiên, chương trình này vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót như tính thực tế đối với từng địa phương, thiếu kinh phí và chưa chú trọng nhiều đến các nhóm dễ bị tổn thương…, cần được tất cả các ban ngành hữu quan phối hợp để hoàn thiện.
Khi những rủi ro về nhiệt liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc củng cố và hoàn thiện HAP cũng như các biện pháp khác nhằm giảm thiểu tác động của nắng nóng cực đoan đối với đời sống người dân và nền kinh tế quốc gia đang ngày càng trở nên cấp thiết.